Sáng 12/2, Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Lễ Khánh thành Đài tượng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968”. Dự Lễ Khánh thành có ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Nguyễn Thành Phong,Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch MTTQVN TP và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận-huyện trên địa bàn TP.
Đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu tại lễ Khánh thành Đài tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968”
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh vũ trang trong lòng đô thị, lực lượng Biệt động Sài Gòn, một lực lượng vũ trang đặc biệt tinh nhuệ, đã liên tục lập nên những chiến công vang dội, làm chấn động dư luận trong nước và thế giới. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cùng với quân dân miền Nam, lực lượng biệt động Sài Gòn thực hiện tổng tiến công vào các vị trí trọng yếu của Mỹ ngụy trên địa bàn Sài Gòn – Gia Định. Trong đó, Đội 4 Biệt động Sài Gòn được giao nhiệm vụ tổ chức đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn là một trong những cơ quan trọng yếu của ngụy quyền Sài Gòn.
Vào lúc 2 giờ 00 phút, ngày 31/1/1968 (tức rạng sang mùng 2 Tết Mậu Thân), 11 chiến sĩ Đội 4 Biệt động Sài Gòn – Gia Định, do đồng chí Nguyễn Gia Lộc (Năm Lộ) chỉ huy tấn công đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn tại Số 3 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1. Sau khi diệt bọn lính gác, do địch có tăng cường Tiểu đội cảnh sát dã chiến nên sự chống trả có phần quyết liệt nhưng nhờ có hỏa lực rất mạnh sử dụng bộc phá, quân ta đã vào được bên trong. Địch điều nhiều phương tiện đến ứng cứu và bao vây, đến 7 giờ sáng hôm sau quân ta phải rút lui bằng bộc phá. Sau gần một đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, đối đầu với kẻ thù đông hơn, mạnh hơn nhiều lần về hỏa lực, phía ta có 10 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Để ghi nhận hy sinh của các chiến sĩ biệt động, đơn vị Đội 4 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Lãnh đạo Thành phố thành kính thực hiện nghi thức tưởng nệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã hy sinh
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, UBND TP đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao và Đài Tiếng nói nhân dân TP thực hiện công trình Đài tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968” tại Đài Tiếng nói nhân dân TP. UBND TP cũng chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng, khánh thành 10 di tích, 9 bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 trên địa bàn thành phố. Đồng thời, UBND TP đang chỉ đạo triển khai thi công công trình Khu tưởng niệm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.
Công trình Đài tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968” tại Đài Tiếng nói nhân dân TP không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, Lực lượng vũ trang TP mà còn là sự tuyên truyền thiết thực về truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm hy sinh vì độc lập – tự do của dân tộc, giúp thế hệ trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu, xứng đáng với các thể hệ tiền nhân, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Anh hùng”.
Nhân dịp này, Lãnh đạo TP cũng chỉ đạo UBND quận 1, Đài Tiếng nói nhân dân TP bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, tuyên truyền cán bộ, công nhân viên, nhân dân đến dâng hương Đài tưởng niệm để thể hiện sự thành kính, tri ân sâu sắc đến các thế hệ cha anh đã hiến nguyện tuổi xuân cho độc lập – tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân.
Một số hình ảnh trong Lễ Khánh thành:
Đài tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968”
Lãnh đạo Thành phố dâng hương lên Đài tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968”
Lãnh đạo Thành phố dâng hương lên Đài tưởng niệm “Biệt động Thành đánh
Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968”
Lãnh đạo Thành phố dâng hương lên Đài tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968”
Lãnh đạo Thành phố dâng hương lên Đài tưởng niệm “Biệt động Thành đánh
Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968”
Người dân địa phương đến dâng hương lên Đài tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968”
Quách Duy