Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn để xử lý các hoạt động phát tán tin giả, tin xấu độc trên Internet.
Thời gian qua, trên mạng xã hội, không ít kẻ xấu lại lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh… để tung ra những tin tức bịa đặt. Không chỉ gây hoang mang dư luận, nhiều đối tượng còn nhẫn tâm xúc phạm đến danh dự và sự hi sinh cao quý của những người lính đã ngã xuống để bảo vệ cuộc sống của nhân dân, thậm chí giả mạo các cơ quan chức năng để phát tán tin giả, tin xấu độc.
Chỉ riêng trong đợt dịch bệnh, lũ lụt vừa qua đã có hàng chục trường hợp bị cơ quan chức năng xử phạt. Nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì xử lý hình sự. Thế nhưng, mạng xã hội vẫn là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng tung tin giả.
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an về vấn để giải quyết tình trạng tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
Thời gian vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội đưa thông tin giả, xấu độc. Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về tình trạng này?
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an: Những hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động tội phạm trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp. Vừa qua, Bộ Công an cùng với một số các cơ quan, các ngành tổ chức đấu tranh ngăn chặn nhưng tình hình trên không gian mạng hiện nay với những thông tin xấu độc, những hoạt động tội phạm lừa đảo, kinh doanh trái phép diễn biến rất phức tạp.
Bộ Công an cũng đã tập trung bóc gỡ hàng chục nghìn tin giả, tin xấu độc, đồng thời phối hợp với các trung tâm, các nhà quản lý mạng, đề nghị với Bộ Thông tin Truyền thông, thậm chí kể cả các nhà quản lý mạng nước ngoài nhưng so với không gian mạng hiện nay chưa ăn thua gì.
Lực lượng chức năng cũng đã xử lý hình sự cũng hàng chục vụ, xử lý hành chính hàng trăm vụ việc liên quan đến những hoạt động tội phạm này.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trên những lĩnh vực thông tin viễn thông với các quy định về xử lý hành chính. Nhưng việc xử lý đó vẫn còn rất hạn chế, mức xử phạt nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn các hoạt động này.
Hàng loạt thông tin xấu độc phủ nhận mọi nỗ lực Chính phủ, địa phương khi cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ miền Trung
Vậy tới đây, Bộ Công an sẽ có những biện pháp như thế nào để giải quyết triệt để tình trạng này, thưa ông?
– Bộ Công an cũng đã tính toán, đề ra nhiều các giải pháp.
Thứ nhất, phải hoàn thiện các hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn nữa để làm cơ sở pháp lý để xử lý các hoạt động này. Đồng thời công khai những thông tin đó để cho các nhà hoạt động mạng, nhân dân để biết được những hành vi nào là phạm pháp, hành vi nào là vi phạm pháp luật. Hoàn thiện để mọi người dân đều biết và việc thực hiện một cách rất nghiêm túc.
Đây cũng là cơ sở đấu tranh với những tội phạm lợi dụng những vấn đề trên mạng internet để hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính…
Thứ hai, phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cơ quan, đặc biệt là đối với nhân dân để hiểu, phân biệt những thông tin xấu độc trên mạng.
Hiện nay trên mạng ai cũng có quyền đưa lên mạng nên việc nhận thức được thông tin nào xấu là rất quan trọng. Việc này cũng rất khó, cần phải có các cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Cơ quan công an cũng phải hướng dẫn, vạch ra những thủ đoạn, phương thức, cách thức rồi những cách làm như thế nào để nhân dân cũng phân biệt thông tin xấu độc đó.
Thứ ba, tiếp tục đấu tranh trấn áp tội phạm trên không gian mạng. Ngoài đời thực có những hoạt động vi phạm, những tội phạm gì trên không gian mạng có đầy đủ các loại tội phạm như vậy. Chế tài, quy định về luật pháp để xử lý những tội phạm trên không gian mạng cũng chưa theo kịp được với tình hình, ảnh hưởng đến việc xử lý.
Thứ tư, chúng tôi tiếp tục phối hợp của các nhà cung cấp dịch vụ, nhà mạng nước ngoài, phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu tháo gỡ những thông tin độc hại, không phù hợp với luật pháp Việt Nam, không phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của Việt Nam để cho người dân không phải tiếp cận, tiếp xúc.
Giải pháp cuối cùng là nâng cao nhận thức về văn hóa, nếp sống, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân để từ đó có những kiến thức, hiểu biết để không vi phạm, không bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Theo ông, có cần thiết để tăng chế tài xử phạt, kể cả xử lý hình sự hay không?
– Chúng tôi cũng đang đánh giá, tổng kết lại những vi phạm, cân đối lại với những hình thức xử lý về những vấn đề này. Trên cơ sở đó sẽ báo cáo với Chính phủ, Quốc hội để cần có những cái điều chỉnh, những quy định pháp luật phù hợp.
Nếu những biện pháp chúng tôi đánh giá ban đầu có thể chưa phù hợp hoặc còn nhẹ thì sẽ phải tăng lên cho phù hợp với mức xử lý. Ví dụ với những quảng cáo không chính xác thì nguồn thu được rất lớn nhưng xử phạt không ăn thua gì.
Do đó mức xử phạt hành chính cũng phải nâng cao lên để người ta không dám vi phạm. Cũng phải chờ tổng kết trên thực tiễn để xem mức độ như thế nào phù hợp.
Càng gần đến Đại hội XIII, các thế lực thù địch càng gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá với nhiều thủ đoạn tinh vi. Bộ Công an sẽ có những giải pháp để đảm bảo an toàn trước, trong Đại hội Đảng, thưa ông?
– Khi chúng ta tổ chức Đại hội Đảng XIII, bọn tội phạm cũng coi đây là cơ hội để chống phá chúng ta. Chúng tôi cũng đã xác định được những nhiệm vụ cần phải làm trong đấu tranh với những tội phạm này, nhất là trong không gian mạng. Đảm bảo an toàn, đảm bảo thông tin, phản bác những quan điểm sai trái là một trong những nhiệm vụ quan trọng với lực lượng công an.
Chúng tôi coi đây là công việc thường xuyên nhưng trong dịp Đại hội Đảng, tần suất các hoạt động cũng được nâng cao lên, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh với hoạt động của tội phạm, nhất là thế lực thù địch, phản động.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo VTV