Như chúng ta đã biết, mạng xã hội có một vai trò quan trọng trong đời sống hiện nay. Nhiều người đã sử dụng mạng xã hội trong học tập, giao tiếp và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp rất hiệu quả. Những thành viên trong các mạng xã hội liên kết hợp tác với nhau thành các nhóm người có cùng sở thích, cùng sự quan tâm, cùng ý nguyện có thể gặp gỡ, trao đổi trên mạng… qua đó từng bước nâng cao nhận thức, khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin để giúp ích cho người sử dụng nó trong đời sống hàng ngày. Đây chính là những tác động tốt mà mạng xã hội mang lại, từ đó góp phần không nhỏ vào việc hình thành và phát triển ý thức xã hội của công dân, bởi vì nó tạo điều kiện cho những người dùng mạng xã hội bày tỏ thái độ và hành động vì cộng đồng, qua đó khuyến khích tinh thần trách nhiệm cá nhân với thái độ và hành động của chính mình…
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích cung cấp thông tin mang tính chất cộng đồng, thì mạng xã hội còn là nơi phát tán nhiều thông tin nhất. Nhiều tin có giá trị nhưng cũng không ít thông tin mà người đọc, người xem cảm thấy hoang mang, lo lắng, thậm chí gây xôn xao dư luận và có thể tạo nên một hiệu ứng ngược trong hành động của mọi người. Một trong những tình trạng đó được lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây là dạng những thông tin thất thiệt được thêu dệt và đồn thổi một cách thiếu căn cứ và người dùng nó cứ thế tin theo… Tin đồn sau khi được nghe kể, hoặc người dùng mạng xã hội tự xuyên tạc ra, sau đó đưa lên facebook và được lan truyền một cách nhanh chóng. Trước đây, người nọ đồn sang người kia với hình thức truyền miệng, còn thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện tại thì tin đồn đã được truyền đi với tốc độ khủng khiếp…
Bất kể những sự việc, sự kiện gì đã và đang diễn ra, chỉ trong chốc lát sẽ đến được với rất nhiều người, khi mà báo chí chính thống chưa thông tin thì những người dùng mạng xã hội đã lan truyền nó như những “nhà báo” thực thụ. Cũng có hình ảnh, bình luận, đánh giá chủ quan của người đưa tin… Hay nói một cách khác, thì những thông tin ấy chính là của người dùng mạng xã hội tự thu thập thông tin, tự biên tập thông tin, tự kiểm duyệt thông tin và tự đăng tải thông tin để cho nhiều người cùng biết. Nói như thế không có nghĩa là thông tin qua mạng xã hội là xấu, là không đáng tin cậy, mà ngược lại nó rất nhanh chóng đến được với người đọc, người xem, gần như tức thì nếu như người tiếp nhận nó có tham gia mạng xã hội.
Tuy nhiên, khi có nhiều người quá sa đà vào nó, tiếp cận mạng xã hội như là những công cụ chính để tiếp cận thông tin cho bản thân thì những hệ lụy mà nó mang lại cũng không phải là ít. Có nhiều người vừa là nạn nhân, cũng là đồng phạm khi chưa biết chắc chắn rằng thông tin đó đúng hay sai và cứ thế mạnh tay chia sẻ nó. Vì với cơ chế hoạt động tương đối dễ dàng của mạng xã hội thì ai ai cũng có thể đăng tải và phát tán thông tin để mọi người cùng đọc, cùng xem. Cho nên một số người khi không có việc gì đã tự tạo ra những thông tin thật rùng rợn để mà câu like, thu hút lượng lớn người đọc, người xem với nhiều mục đích khác nhau. Miễn sao nhiều người đọc được nó, chia sẻ thông tin đó với những người khác và hệ lụy mà nó mang lại không phải là nhỏ.
Na ná kiểu này trong thời gian gần đây là những tin đồn dạng như “bắt cóc trẻ con”, “máy bay rơi ở sân bay Nội Bài”… Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trước đây cũng qua mạng xã hội facebook đã lan truyền tin đồn “thanh niên đi xe camry bắn chết người bỏ chạy”, hay tin đồn về “cá bè xước là của Trung Quốc”… Hoặc gần đây nhất là cũng chính thông tin trên mạng xã hội, mà cụ thể là trên các facebook lan truyền tin đồn bắt cóc trẻ em quanh việc cháu bé ở thị xã Ba Đồn bị mất tích, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân. Nhiều người dân đã vô cớ đánh người bị thương và được cho rằng đó là đối tượng bắt cóc trẻ em khi đi qua địa bàn, làm cho họ phải vào bệnh viện… Chưa hết, nhiều đối tượng chính trị, nhiều linh mục cực đoan đã triệt để lợi dụng facebook để tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, kích động người dân, giáo dân kéo đến trụ sở chính quyền, kéo ra chặn quốc lộ 1A, gây mất an ninh trật tự sau sự cố môi trường biển xảy ra trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung hồi tháng 4 năm 2016. Những luận điệu của các đối tượng chính trị, các vị linh mục cực đoan được nhắc đi, nhắc lại là hô hào người dân xuống đường đi biểu tình, gây rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng thực thi nhiệm vụ, tạo cớ để lu loa lên rằng chính quyền đàn áp người dân công giáo. Nhiều đối tượng chính trị, linh mục cực đoan nhân danh những “nhà dân chủ” để đấu tranh “đòi quyền lợi”, qua đó ngoài việc chúng hô hào những người dân, giáo dân nhẹ dạ nghe theo luận điệu của chúng, thì chúng còn nhồi nhét vào trong đầu họ những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thậm chí cả bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người tham gia mạng xã hội trở thành các “biên tập viên” của mạng một cách vô thức nhưng lại vô cùng nguy hiểm, bôi nhọ hình ảnh đất nước, vô tình trở thành “kẻ đưa chuyện” của mạng xã hội. Đó chính là mục tiêu mà các “nhà dân chủ bàn phím” đặt ra: Lôi kéo càng nhiều người tham gia càng tốt, cùng nhau “bàn thảo”, “tranh luận”, và tìm phương hướng “đấu tranh” bằng cách chống lại chính quyền, chống lại chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Những “Nhà dân chủ bàn phím” chủ yếu hoạt động trên mạng xã hội thông qua facebook cá nhân, lập thành những nhóm hội kín, hội nhóm công khai, bày tỏ quan điểm, mục đích hoạt động của nhóm hội. Nhìn vẻ bề ngoài thì có vẻ rất “dân chủ”, nhưng bản chất sâu xa của các nhóm hội này thì hoạt động không khác gì những kẻ gây rối trật tự xã hội. Từ chỗ hô hào trên mạng, chúng huy động những người nhẹ dạ cả tin, nhất là nhiều người trẻ đi theo xuống đường biểu tình đòi “quyền lợi”. Không biết quyền lợi đó là gì nhưng khi nghe hô hào vận động thì đi thôi. Giáo dân thì bị các vị linh mục cực đoan dùng giáo lý thần quyền kêu gọi qua facebook, ép buộc để con chiên ngoan đạo đi theo làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thêm phức tạp. Và khi việc “vận động hành lang” thông qua mạng xã hội và được nhiều người thiếu hiểu biết ủng hộ thì đó chính là mục đích của các “Nhà dân chủ bàn phím” đã đạt được. Hệ quả của nó chính là người dân thì bỏ bê công việc lao động sản xuất, mất thời gian vô ích cho việc xuống đường, tụ tập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, còn các đối tượng chính trị, các vị linh mục cực đoan nhân danh các “Nhà dân chủ bàn phím” đã có cái để “báo cáo” với các đối tượng, các tổ chức phản động lưu vong nước ngoài rằng đã và đang thực hiện việc phá rối tình hình của quê hương, đất nước và chúng lại được nhận những đồng tiền bẩn thỉu từ nước ngoài chuyển về để thực hiện nhiệm vụ “đấu tranh cho dân chủ” của mình, bằng cách gây rối tình hình an ninh trật tự, tạo cớ và vu vạ cho chính quyền các cấp đàn áp nhân dân, đàn áp người dân công giáo, làm lũng đoạn tình đoàn kết lương giáo, gây chia rẽ trong nội bộ nhân dân…
Có thể nói, việc tung tin thất thiệt trên mạng là vi phạm Điểm g, Mục 3 Điều 66 của Nghị định 174 về cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Mức xử phạt hành vi này từ 10-20 triệu đồng. Hơn lúc nào hết, những người dân, giáo dân chân chính, đặc biệt là những ai đã và đang dùng mạng xã hội facebook cần hết sức tỉnh táo trước các luận điệu của các “Nhà dân chủ bàn phím”. Tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, không để được dễ dàng bị “dắt mũi” bởi những đối tượng chính trị, những linh mục cực đoan, không để bị tiêm nhiễm những luận điệu xuyên tạc; chủ động đấu tranh phản bác những luận điệu của các “Nhà dân chủ bàn phím” để xây dựng một xã hội ngày càng văn minh, hiện đại.
Trung Thực