Ngày hôm qua (11/4), hàng ngàn sinh viên ở Indonesia đã tổ chức biểu tình quy mô lớn tại nhiều địa phương nhằm yêu cầu chính phủ lắng nghe nguyện vọng của tầng lớp thanh niên và nhân dân, trong đó có việc không trì hoãn thời hạn tổng tuyển cử năm 2024 và đảm bảo bình ổn giá với các nhu yếu phẩm cơ bản. Ở một số địa phương, các cuộc biểu tình đã kết thúc trong bạo loạn.
Tại tòa nhà Hạ viện Indonesia ở thủ đô Jakarta, mặc dù cảnh sát trưởng Quốc gia, Tướng Listyo Sigit Prabowo và ba Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia đã gặp hàng ngàn người người biểu tình để đối thoại. Tuy nhiên tình hình bắt đầu nóng lên khi một số người biểu tình Indonesia bắt đầu ném đá, gỗ, chai lọ vào các sĩ quan cảnh sát khiến lực lượng chức năng phải triển khai các biện pháp giải tán bằng vòi rồng và hơi cay. Đám đông sau đó trở nên hỗn loạn và đốt phá các trụ sở cảnh sát và lốp xe.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các tỉnh thành khác trên cả nước từ thành phố Makassar, Nam Sulawesi; thành phố Padang, Tây Sumatra cho đến Kendari, Đông Nam Sulawesi. Cảnh sát đã bắt giữ nhiều người biểu tình quá khích. Trong khi đó tại Đông Sulaweisi, người biểu tình xô xát với lực lượng an ninh khiến một cảnh sát thiệt mạng trong quá trình làm nhiệm vụ.
Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự khu vực Jaya, Thiếu tướng Untung Budiharto hy vọng đây sẽ là cuộc biểu tình cuối cùng của sinh viên, bởi mặc dù sinh viên Indonesia đã cam kết biểu tình trong hòa bình nhưng vẫn có những phần tử kích động gây ra hỗn loạn, ảnh hưởng tới ý định bày tỏ nguyện vọng chính đáng của sinh viên và người dân.
Trước đó, Ban điều hành sinh viên toàn Indonesia cho biết, có khoảng 1.000 cuộc biểu tình diễn ra đồng loạt trong ngày 11/4 trên toàn lãnh thổ Indonesia. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất của sinh viên Indonesia trong vòng 2 năm qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nước này. Cuộc biểu tình diễn ra bất chấp Tổng thống Indonesia, Joko Widodo ra lệnh cho các Bộ trưởng ngừng nói về việc kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống và khẳng định sẽ không hoãn cuộc bầu cử năm 2024. Chính phủ Indonesia cũng đang đưa ra các trợ cấp lương thực, tiền mặt cho dân nghèo trong 3 tháng khi tình hình lạm phát tăng cao, giá cả các mặt hàng như xăng dầu, thực phẩm, dầu ăn gia tăng./.