Quan tâm, lo lắng cho vận mệnh dân tộc là điều đáng quý nhưng nếu thiếu sáng suốt, sự quan tâm ấy lại trở thành vật cản hoặc hành động chống phá đối với sự phát triển đi lên của đất nước.
Từ sáng 6/6, hàng loạt người dùng Facebook trong nước tỏ ra hết sức bức xúc khi nhận được tin nhắn loan tin Thủ đô Hà Nội đang có ‘biến’ lớn và kích động mọi người tham gia biểu tình vào ngày 15/6 – ngày dự kiến Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Dự thảo Luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Có lẽ, lâu lắm rồi, chúng ta mới có một kỳ họp Quốc hội thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo dư luận đến vậy.
Phần lớn dư luận quan tâm đến sự kiện này bởi đây được cho là kỳ họp quyết định trực tiếp “số phận” của 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Trước ý nghĩa quan trọng của dự luật này, đông đảo dư luận lên tiếng là điều dễ hiểu. Càng dễ hiểu hơn khi trong dự thảo luật trình Quốc hội lần này có điều khoản liên quan đến việc sẽ cho đối tác thuê đất lên tới 99 năm.
Con số 99 năm chính là điểm mấu chốt gây ra cuộc tranh luận ngày càng gay gắt trên “mặt trận” truyền thông suốt mấy ngày qua.
Thực ra, đối với không ít người, việc cho thuê đất 50 năm, 70 năm và kể cả 99 năm không phải là vấn đề cốt lõi. Trên thực tế, nước ta đã có nhiều dự án cho đối tác nước ngoài thuê mặt bằng đến 70 năm.
Việc đưa mốc thời gian 99 năm vào dự thảo lần này có lẽ chỉ là minh chứng thể hiện sự cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút đối tác đầu tư.
Tất nhiên, nói là vậy nhưng việc quyết định có cho thuê mặt bằng lên tới 99 năm tại các khu vực này hay không lại là việc khác. Đó là điều mà các đại biểu Quốc hội, những người đại diện ưu tú, tiêu biểu nhất của nhân dân đang nghiên cứu, xem xét.
Không phải cứ Chính phủ trình dự thảo luật là Quốc hội nhất nhất thông qua. Cũng không phải là cứ được thông qua là các điều khoản của dự luật được giữ nguyên như khi trình.
Về phía bản thân mình, tôi nhận thấy chưa đủ kiến thức để tham gia bàn luận xem con số 99 năm ấy có hợp lý không, có thuận lợi và tác hại gì?
Chỉ có điều, tôi cảm thấy thực sự thất vọng khi không ít người, trong đó có cả những đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, người của công chúng đã thể hiện thái độ cực đoan, nóng vội. Thậm chí cố tình xuyên tạc, quy chụp, xúc phạm các vị lãnh đạo của đất nước khi phản biện về dự thảo luật.
Dự thảo không thể hiện việc các dự án sẽ chỉ dành cho đối tác người Trung Quốc thuê nhưng không hiểu sao rất nhiều người lại lên tiếng phản đối và khẳng định rằng, luật này là để “nhượng địa” cho người Trung Quốc.
Nực cười hơn, nhiều người chỉ nghe thông tin đồn thổi đã vội vàng cho rằng, khi cho thuê đất tức là ta đã giao toàn bộ mặt bằng cho đối tác sử dụng theo kiểu khu “tự trị”.
Họ không hề hiểu rằng, trên mảnh đất đó, ta vẫn có các cơ quan chức năng quản lý bằng hành chính, pháp luật và các ràng buộc khác. Những người sinh sống, làm việc tại đây phải tuân theo sự quản lý, giám sát chặt chẽ bởi những chế tài nghiêm minh, cụ thể.
Nói vậy để thấy, rất nhiều người khi bày tỏ quan điểm, tham gia phản biện trên mạng xã hội đã không hề tìm hiểu, nghiên cứu kỹ bản dự thảo.
Họ chỉ biết phản đối một cách đầy cảm tính và a dua, những nút “like”, “share” được sử dụng hết sức cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó là những dòng chữ dẫn dắt dư luận đầy chủ quan, cực đoan, quy chụp.
Với họ, tất cả những ai trái quan điểm đều bị chụp lên đầu cụm từ “kẻ bán nước”, “vô trách nhiệm”?!?
Đỉnh điểm của sự cực đoan là mới đây, không hiểu bắt nguồn từ đâu, rất nhiều người nhận được đoạn tin nhắn có nội dung khẳng định Thủ đô Hà Nội có “biến lớn” và kêu gọi người khác xuống đường biểu tình vào ngày 15/6, thời điểm mà quốc hội ấn nút thông qua Dự thảo luật đặc khu kinh tế.
Hà Nội ngày 6/6 hoàn toàn yên bình như mọi ngày khác. Vậy không hiểu “biến lớn” mà người ta đang đồn thổi, lan truyền nhau đến chóng mặt trên mạng xã hội ấy là cái “biến” gì?
Chưa biết ngày hôm đó Dự luật có được thông qua hay không, nội dung khi thông qua thế nào? (theo thông tin mới nhất dự thảo luật sẽ được lùi sang kỳ họp sau để chuẩn bị kỹ hơn) Vậy mà đã có sự kêu gọi, kích động, chuẩn bị trước để xuống đường biểu tình với thời gian ấn định. Đó có phải là cách phản ứng đúng đắn, vì đại cục của những công dân chân chính?
Chắc chắn không phải. Tôi cho rằng, đây chính là âm mưu của những kẻ xấu, luôn hằn học, cay cú, muốn chống phá Nhà nước ta bằng mọi cách khi cho rằng đây chính là dịp thuận lợi nhất để ra tay thực hiện.
Nhiều người do thiếu thông tin, tâm lý chủ quan, nóng vội nên đã dễ dàng bị “dắt mũi”, a dua theo và tiếp tay cho kẻ xấu, góp phần lan tỏa thông tin độc hại khiến dư luận hoang mang.
Qua phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể thấy, người đứng đầu Chính phủ ta luôn lắng nghe, tiếp nhận đầy đủ nguồn thông tin phản biện từ các kênh khác nhau. Điều đó chứng tỏ, những ý kiến phản biện, trái chiều, các tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế…của người dân luôn được giới lãnh đạo quan tâm và trân trọng.
Trước sự cầu thị ấy, lẽ ra, mỗi người phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đưa ra những ý kiến đóng góp, phản biện tích cực, mang tính xây dựng cao. Vậy mà, thật buồn khi không ít người lại xuyên tạc, bóp méo thông tin, dẫn dắt dư luận hiểu sai bản chất sự việc, tạo hiệu ứng tiêu cực trong xã hội.
Quan tâm, lo lắng cho vận mệnh dân tộc là điều đáng quý, đáng trân trọng, là điều nên có ở mỗi công dân. Nhưng, nếu thiếu bình tĩnh, sáng suốt, chính những sự quan tâm ấy lại trở thành vật cản hoặc hành động chống phá đối với sự phát triển đi lên của đất nước.
Hãy lên tiếng nếu muốn nhưng xin hãy lên tiếng bằng thái độ đúng đắn, bằng trách nhiệm và cả lương tri!
Chiến Văn/VTC