Đêm hay ngày, nắng mưa hay bão tố, những chú chó được mệnh danh là đội quân đặc nhiệm vẫn theo sát bước chân các chiến sĩ canh gác, đi tuần trên các đảo ở Trường Sa.
Những ngày đầu tháng 5 đến với Trường Sa, nắng như đổ lửa nhưng trời vẫn lồng lộng gió biển, từng đoàn công tác lần lượt rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) ra thăm các chiến sĩ, bà con ở các điểm đảo.
Dân gian có câu: “Tháng 3 bà già đi biển” để chỉ những ngày tháng 3 âm lịch, sóng yên biển lặng, thời tiết chiều lòng người tạo điều kiện cho nhân dân ra thăm các chiến sĩ.
Trong hải trình qua 11 điểm đảo, đóng quân: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Lin Côn, Len Đao, Trường Sa…, mỗi khi xuồng cập cảng ra thăm không chỉ là những gương mặt đầy nắng gió với nụ cười hiền hậu của các chiến sĩ mà còn có cả những cái vẫy đuôi như gặp lại chủ cũ của cả đàn chó hơn chục con.
Thấy khách tới thăm, cả “gia đình” chó trên đảo lũ lượt kéo ra từ lớn tới bé, già tới trẻ, con đực tới cả con đang mang bầu.
Có lẽ vì quanh năm chỉ được nhìn thấy sóng gió, nên đàn chó ở đây “thèm hơi đất liền” không kém gì những chiến sĩ đang chăm chúng. Nhiều chú sẵn sàng lao xuống biển, vượt sóng mừng đón đoàn.
Lên đến bờ, nếu vuốt đầu bất kỳ con nào đó thì cả đàn sẽ ào đến, tranh nhau để được xoa đầu, con to hơn thì chồm lên, con nhỏ thì quấn lấy chân dù chẳng biết lạ hay quen.
Chó được nuôi trên đảo chủ yếu được mang ra từ đất liền, một số con lai tạo với nhau trực tiếp được sinh ra trên đảo. Chó đủ loại, kích cỡ, phát triển khá nhanh, ít bệnh tật, một số được huấn luyện đưa vào biên chế.
Hình ảnh chiến sĩ đi đâu, chó đi theo đấy không hề hiếm gặp trên các đảo ở Trường Sa.
Chiến sĩ trẻ Nguyễn Tiến Sĩ đang trực gác trên đảo Sinh Tồn Đông, một chú chó có dáng đứng oai vệ trên bờ tường mắt luôn nhìn xa xăm ra hướng biển ngay cạnh chỗ anh đứng trực. Anh vừa xoa cổ vừa kể về tình bạn đặc biệt với chú chó Milu (do chính anh đặt tên) như thế nào.
Cơn bão số 16 cuối năm 2017 quét qua quần đảo Trường Sa, chiến sĩ trẻ trong lúc trực canh gác phát hiện một chú chó con nằm vật vờ bên gốc cây tra, cạnh khu nhà tập thể.
Anh chạy ra bế chú chó vào nhà chăm sóc. “Nó ốm nặng, nhìn yếu ớt lắm, mình thì nhem nhuốc dính đầy đất cát. Ôm vào trong nhà rồi mà nó vẫn không biết gì”, Sĩ kể.
Chăm khoảng 3 ngày, lúc bão tan, Milu khỏe lên trông thấy. Đến giờ anh đi đâu nó theo đấy, lúc anh canh gác bất kể ngày đêm nó cũng đứng cùng. Đây là con vật anh thân nhất trên đảo.
Mới được 8 tháng tuổi, Milu luôn đi trước trong những chuyến tuần tra. Nhiều lúc nó còn mang về cho anh những con cá săn được. Nhiều khi chẳng biết tâm sự cùng ai, hoặc lúc trực một mình, Sĩ lại bầu bạn, nói chuyện vu vơ với nó cho bớt cô đơn.
Thủy triều xuống, anh em đi đánh bắt, huấn luyện thì cả đàn chó cũng đi theo. Chúng cũng cảnh giác ban đêm cho anh em canh gác, cảnh giác với người lạ, phát hiện các vật dụng trôi nổi trên biển. Ngoài giờ huấn luyện, Milu còn như chiếc đồng hồ báo thức sống mỗi khi chủ của nó chưa kịp thức giấc.
Chính trị viên, Đại úy Phạm Văn Lưu (đảo Núi Le) cho biết: Chó cũng là lực lượng canh gác, phát hiện trên đảo. Quá trình sinh hoạt, chó là một người bạn của anh em chiến sĩ. Tiếng sóng xô bờ chó có thể biết rõ cái nào là do sóng tự nhiên, cái nào là do người tạo ra. Mỗi khi anh em đi tuần thế nào cũng có vài con chạy theo. Có chúng nó vừa vui lại vừa yên tâm. Tiếng chó sủa hay tiếng gà gáy đều gợi cho anh em những hình ảnh quen thuộc về quê nhà nơi đảo xa.
Trần Thường/Vietnamnet