Một em bé người Syria đã kể lại khoảnh khắc “sốc” khi bị “ép” trở thành nạn nhân của vụ tấn công hóa học xảy ra tại thị trấn Douma, vốn được Mỹ cùng đồng minh làm cái cớ để tiến hành không kích hôm 14-4.
Kênh truyền hình Rossya-24 của Nga đã có buổi trò chuyện với gia đình cậu bé Syria tên là Hassan Diab, vốn được xuất hiện trong đoạn video do tổ chức “Mũ bảo hiểm Trắng” (White Helmet) như là “nạn nhân” vụ “tấn công hóa học” ở Douma ngày 7-4.
Đoạn video này sau đó được các hãng tin và giới chức phương Tây sử dụng làm bằng chứng cho cáo buộc Damascus tấn công hóa học nhằm vào thường dân.
“Chúng cháu đang ở dưới tầng hầm. Mẹ bảo ngày hôm nay không có gì để ăn, đến ngày mai mới được ăn. Nghe có tiếng kêu trên đường phố “đến bệnh viện đi”! Cả nhà chạy đến bệnh viện, và vừa tới nơi, cháu bị người ta tóm lấy và phun nước vào người. Sau đó người ta đặt chúng cháu lên giường với những người khác”, Hassan Diab kể lại khoảnh khắc.
Trong khi đó, theo cha cậu bé, anh đã rất sốc khi anh ta nghe nói rằng con trai mình đang ở trong bệnh viện. “Chẳng hề có vũ khí hóa học nào cả, tôi hút thuốc bên ngoài và không cảm thấy có vấn đề gì, tôi vào bệnh viện và nhìn thấy cả nhà mình ở đó”, người đàn ông kể lại.
“Họ đã cho những người tham gia vào đoạn video gạo, bánh quy và sau đó thả họ ra”, cha cậu bé nói tiếp.
Trước đó, Reuters ngày 16-4 cũng dẫn lời một bác sỹ làm việc tại bệnh viện tiếp nhận các nạn nhân trong vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma ở Đông Ghouta, Syria, xác nhận rằng những người này không hề có triệu chứng trúng độc hóa học.
“Chúng tôi đã tiếp nhận một số bệnh nhân gặp các vấn đề về hô hấp do tình trạng ô nhiễm khói bụi tại nơi họ đang cư trú. Thế rồi bỗng dưng có một nhóm người không rõ danh tính xuất hiện và loan báo về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, khiến mọi người hoảng sợ và gây ra tình trạng náo loạn”, bác sỹ Marwan Jaber cho biết.
Hôm 7-4, tổ chức phi chính phủ “Mũ bảo hiểm Trắng”cùng các quốc gia phương Tây nói rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Đouma, Đông Ghouta khiến 70 người thiệt mạng. Hiện chưa có bằng chứng nào được công bố, song Mỹ nói họ có “niềm tin cao” chính quyền Damascus tiến hành vụ tấn công trên.
Ngày 9-4, các đại diện của Trung tâm hòa giải các bên tham chiến ở Syria của Nga tuyên bố họ đã khảo sát khu vực Douma, song họ không tìm thấy dấu vết của vũ khí hóa học. Moscow sau đó đề nghị Liên Hợp Quốc cử phái đoàn tới khu vực để điều tra về nghi án.
Đến ngày 14-4, Mỹ cùng các đồng minh Anh và Pháp đã tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự của Syria, mà theo họ là để “đáp trả” việc vũ khí hóa học được sử dụng ở Douma.