EU bị cáo buộc đồng lõa trong việc tra tấn người tị nạn

share on:

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) lên tiếng cáo buộc chính phủ các nước châu Âu đang cố tình đồng lõa trong việc tra tấn hàng chục nghìn người tị nạn và người nhập cư có ý định vượt biên sang EU mà chính quyền Libya bắt giữ tại Libya.

Người di cư vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu. Ảnh: Internet

Trong bản báo cáo ngày 12/12, Tổ chức Ân xá lên án chính phủ các nước châu Âu đã hỗ trợ “một hệ thống tinh vi để lạm dụng và bóc lột những người tị nạn và di cư” vượt qua vùng biển Địa Trung Hải để đến lục địa già.

Ông John Dalhuisen, giám đốc AI tại châu Âu tuyên bố “Hàng chục nghìn người đang bị giam giữ vô thời hạn tại các trung tâm tiếp nhận người di cư vốn đã quá tải. Tại đây, những người này bị lạm dụng một cách có hệ thống. Chính phủ các nước châu Âu cần phải xem xét lại việc hợp tác với Lybia về vấn đề nhập cư cũng như việc cấp thị thực cho người dân đến châu Âu thông qua các kênh pháp lý, nhất là việc tái định cư cho hàng chục nghìn người tị nạn”.

Ông Dalhuisen nhấn mạnh rằng, các nhà chức trách Lybia cần phải chấm dứt các vụ bắt giữ và giam bất hợp pháp những người tị nạn và người di cư. Đồng thời kêu gọi thả “ngay lập tức” tất cả những người nước ngoài đang bị giữ tại các trung tâm tị nạn ở Lybia.

Được biết, từ cuối năm 2016, các nước thành viên của EU, nhất là Italia đã thực hiện một loạt các biện pháp đóng cửa các tuyến đường di cư đến châu Âu qua Libya và biển Địa Trung Hải bất chấp hậu quả đối với những người bị mắc kẹt tại Libya. Theo AI, chính phủ các nước châu Âu đã hỗ trợ cho Cục Nhập cảnh Libya quản lý các trung tâm giam giữ và cung cấp thiết bị cho Lực lượng cảnh sát bờ biển Libya để chặn dòng người di cư.

Những người tị nạn và người nhập cư bị lính biên phòng Libya bắt sẽ được gửi đến các trung tâm giam giữ, nơi họ bị đối xử tàn nhẫn. Cho đến nay, 20.000 người đang bị giam trong các trung tâm đã quá tải và không đảm bảo vệ sinh. Các trung tâm này không nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Libya được hỗ trợ bởi các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, hàng nghìn người tị nạn khác bị giam giữ trong các trung tâm do quân đội kiểm soát. Và AI đã phỏng vấn hàng chục người di cư và tị nạn về những “lạm dụng mà họ phải trải qua hoặc chứng kiến” bao gồm việc tra tấn, lao động cưỡng bức tại các trại giam giữ người di cư.

Chu Thanh/Báo Nghệ An

(Theo Le Monde)

Facebook Comments