Lời tòa soạn: Chỉ sau 5 ngày, nhóm khủng bố “có tổ chức, rất manh động, liều lĩnh, man rợ và mất nhân tính” tấn công 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk, sát hại 9 người đã bị bắt giữ toàn bộ. Phía sau cuộc truy quét này là sự mưu lược, quyết đoán của những người chỉ huy, sự dũng cảm can trường của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Báo VietNamNet khởi đăng loạt bài “Chiến thuật đánh án mưu lược tóm gọn nhóm khủng bố ở Đắk Lắk” để giúp bạn đọc phần nào hình dung được sự khó khăn, nguy hiểm phía sau cuộc đấu tranh, vây bắt nhóm tội phạm nói trên.
Vụ tấn công 2 trụ sở xã của huyện Cư Kuin làm 9 người chết, 2 người bị thương diễn ra lúc 1h ngày 11/6. Khi đó, nhóm khủng bố bắn, sát hại công an, cán bộ xã và người dân.
Khi ô tô của công an huyện tiến vào khu vực trụ sở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, nhóm người này bất ngờ lao ra xả súng bắn trả. Chúng bắt theo 3 người làm con tin, rồi chạy vào các rẫy cà phê và ngả đồi tạo nên một thế trận nguy hiểm cho lực lượng chức năng.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (K02) và Công an tỉnh Đắk Lắk cùng nhiều lực lượng triển khai truy bắt nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Gần 1 giờ sau khi vụ khủng bố xảy ra, Thượng tá Diêm Công Toàn, Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên nhận được điện thoại của Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk về vụ tấn công. Ngay lập tức, Thượng tá Toàn điện báo cho Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh K02.
Buông điện thoại, ông Toàn lệnh 350 cán bộ chiến sĩ chuẩn bị tư trang, vũ khí hành quân về huyện Cư Kuin.
5h, 50 cán bộ chiến sĩ tinh nhuệ nhất của Đội đặc nhiệm Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động số 3 tại Đà Nẵng cũng nhận lệnh lập tức vào Đắk Lắk làm nhiệm vụ đặc biệt.
Nhận thấy sự cấp bách, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an cho đội đặc nhiệm di chuyển bằng đường hàng không, thời gian tới Đắk Lắk chỉ còn 30 phút.
8h, đội quân tinh nhuệ nhất Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động số 3 đã có mặt ở sân bay quốc tế Đà Nẵng.
8h45, họ đổ bộ xuống sân bay Buôn Ma Thuột và nhanh chóng lên xe chuyên dụng tới thẳng hiện trường.
11h30, Tư lệnh K02 Lê Ngọc Châu cùng cấp phó là Đại tá Phạm Hữu Thinh từ Hà Nội vào tới Đắk Lắk cùng với lãnh đạo Công an tỉnh chỉ huy việc truy bắt các đối tượng phạm tội.
Ban chỉ huy tiền phương được thành lập ngay tại hiện trường. Lực lượng của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát cơ động phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an lên kế hoạch hợp đồng tác chiến. Thiếu tướng Lê Ngọc Châu trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy tiền phương, lấy lực lượng cảnh sát đặc nhiệm làm chủ công.
Hệ thống liên lạc khẩn trương được lắp đặt với 3 cột phát sóng cao 60m dựng gấp ngay giữa đại ngàn và gần 400 thiết bị điện đàm, liên lạc được kết nối đến từng bộ phận, từng chiến sĩ.
Lực lượng công an dàn quân, tạo ra hàng chục mũi tấn công trọng yếu. 350 CSCĐ của Trung đoàn Tây Nguyên phối hợp với công an địa phương tổ chức bao vây trên diện rộng, như một hàng rào khổng lồ ngăn chặn những kẻ khủng bố bỏ chạy, có thể tiếp tục gây hại thêm cho dân.
Mặt khác, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu cùng Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk Trần Bình Hưng dẫn theo đội đặc nhiệm và cảnh sát hình sự tiến sâu vào khu vực rẫy cà phê, đồi núi nơi họ nhận định có các đối tượng gây án mang theo con tin lẩn trốn.
Trong quá trình truy bắt, bộ câu hỏi nghiệp vụ ngắn gọn được Tư lệnh Lê Ngọc Châu truyền đạt đến từng chiến sĩ. Ông Châu yêu cầu: “Khi bắt được đối tượng lập tức đấu tranh lấy lời khai ban đầu ngay tại chỗ. Tập trung vào 2 câu hỏi: “Nhóm có mấy người, chạy hướng nào? Có bao nhiêu súng, đạn và các hung khí khác?”.
Việc đấu tranh khai thác nhanh đối tượng giúp cho các chiến sĩ có cơ sở để triển khai tiếp hướng truy bắt.
Lãnh đạo K02 yêu cầu lực lượng phá án phải đặt sự an toàn tuyệt đối tính mạng của cán bộ chiến sĩ và người dân lên hàng đầu. Nơi xảy ra vụ việc có địa hình khó khăn, hiểm trở nên việc tìm kiếm, truy bắt các đối tượng phải thực hiện kỹ càng, quyết liệt bằng 1 kịch bản đánh án chi tiết.
“Hành vi tội các của nhóm thủ ác đã cướp đi tính mạng của nhiều đồng đội, cán bộ và nhân dân của chúng ta. Các đồng chí phải chấp hành nghiêm túc phương án truy xét, bắt giữ và nhiệm vụ đã được phân công cụ thể cho từng tổ để không một ai phải hy sinh”, Tư lệnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh trước khi xuất quân.
Nhiều trang thiết bị tối tân và chó nghiệp vụ đã được điều tới hiện trường hỗ trợ lực lượng bao vây nhóm khủng bố.
Ngay trong ngày 11/6, với thế chủ động, công an tập trung xét hỏi từng nghi phạm vừa bị bắt giữ để lần ra manh mối những kẻ đồng phạm còn lại. Hết ngày đầu tiên, 16 đối tượng đã được di lý về Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk để phục vụ điều tra, mở rộng dấu vết của nhóm tội phạm.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ đồng bộ, đặc biệt là sự góp sức của lực lượng công nghệ cao, Ban chỉ huy tiền phương đã nhanh chóng tìm ra 1 mắt xích quan trọng.
Dưới vỏ bọc là nông dân ít nói, Y Cing Byă (SN 1991, trú tại xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) là kẻ tiếp tế đồ ăn hàng ngày đồng thời là đầu mối liên lạc, chuyển tin phục vụ cho nhóm đối tượng tấn công 2 trụ sở xã.
Khi công an ập vào nhà, Y Cing Byă vẫn đi làm ruộng và chỉ có vợ con hắn.
Trực tiếp Thiếu tướng Lê Ngọc Châu đã đấu tranh, khai thác lấy lời khai. Ban đầu, Y Cing Byă tỏ ra ngoan cố, không cung cấp bất cứ thông tin gì và phủ nhận mọi sự liên quan. Đối tượng khai không có quan hệ với bất cứ ai, không liên lạc với ai ngoài gia đình. Để chứng minh cuộc sống khép kín, Y Cing Byă nói điện thoại cũng không dùng, có việc gì cần thì mượn của vợ.
Bằng biện pháp tâm lý, đánh sâu vào góc khuất tình cảm gia đình, nhất là tương lai của người vợ trẻ và những đứa con thơ, đối tượng mới chịu khai ra 1 số thông tin khác.
Từ lời bất nhất của Y Cing Byă, công an đã đấu tranh tìm ra nhiều tình tiết mới phục vụ cho việc bóc dỡ danh sách nhóm khủng bố sau này. Từ việc đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với Y Cing Byă, các thông tin về nhóm tội phạm đang lẩn trốn dần được bóc tách. Tiếp tục khai thác, vận dụng triệt để các biện pháp nghiệp vụ và trở lại truy xét, đối chứng những tên khủng bố đã bị bắt giữ, công an hình dung ra phía đồi Độc Lập có nhóm tội phạm chủ chốt đang cố thủ.
Chiều ngày 13/6, lãnh đạo K02 yêu cầu thiết lập ngay 1 tiểu ban chỉ huy tại vị trí ngã ba, dưới chân đồi Độc Lập với nhiều lực lượng tham gia họp bàn cho cuộc vây bắt lớn.
Vòng vây của công an đang siết lại ở phạm vi hẹp dần, quả đồi bị phong toả, lực lượng công an ở thế chủ động ngăn chặn mọi cuộc tẩu thoát.Tư lệnh K02 trao đổi với cấp uỷ chính quyền địa phương, trưng dụng 1 cán bộ thông thạo nghiệp vụ, địa bàn tham gia tiểu ban.
Từ bản vẽ phác thảo địa hình của cán bộ địa chính, Tư lệnh Lê Ngọc Châu nhận thấy ưu điểm của khu đồi là có 3 mặt riêng biệt, phía áp con suối nhỏ, phía áp ruộng và mặt còn lại dựng đứng, chỉ có 1 con đường độc đạo vào, ra. Từ đó, ông triển khai các mũi tấn công cho cán bộ, chiến sỹ với quyết tâm an toàn và hiệu quả.
Nhận lệnh, các lực lượng lập tức khoanh vùng phía con suối nhỏ. Với mục đích là nếu đối tượng dịch chuyển thì công an dễ nhận biết đối tượng có mang vũ khí hay không? Nhóm có bao nhiêu người? Tâm lý, tinh thần của chúng ra sao?
Từ đó chuyển thông tin về Tiểu ban chỉ huy để lên kịch bản “nhặt” từng đối tượng và đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ tham gia đánh án.
Chỉ lực lượng cảnh sát đặc nhiệm trang bị áo giáp, vũ khí tối tân tiến sâu vào sào huyệt của chúng, những người còn lại bao vây vòng ngoài, ở cự ly hợp lý để sẵn sàng yểm trợ.
“Trên đường tiến sâu vào đồi Độc Lập, đội đặc nhiệm hết sức lưu ý đảm bảo an toàn. Kẻ phạm tội đang ở thế phòng thủ chủ động và rất manh động. Tầm sát thương của các vũ khí chúng đang có là khoảng 200m, cự ly đó khả năng xuyên thấu rất cao. Do đó, các đồng chí phải mở rộng tầm quan sát, giữ khoảng cách an toàn cho bản thân. Liên tục rà soát các bẫy có thể chúng đã tạo ra như: Chông, lựu đạn cài lại…Nếu phát hiện thấy dấu hiệu khác thường phải dừng lại xử lý xong mới tiếp tục tiến quân. Theo tư liệu điều tra, nhóm đối tượng cố thủ đã 3 ngày trên đồi, đang có nhiều súng và lựu đạn”, lãnh đạo K02 căn dặn.
Đêm 13/6, hàng trăm chiến sĩ dàn hàng ngang bao vây quả đồi. Lực lượng đã dùng đèn pin liên tục quét ánh sáng nhằm kiểm soát không cho các đối tượng lợi dụng đêm tối rời vị trí đang ẩn nấp.
Đây là tình tiết quan trọng mà sau này khi bị bắt, các đối tượng khai, biết bị bao vây đã bàn kế hoạch bỏ chạy. Tuy nhiên, xuống tới bìa rừng thì nhìn thấy ánh đèn tuần tra của cơ quan chức năng, buộc chúng phải quay lại.
Chỉ huy lực lượng đã cho phép chiến sĩ được phép nổ súng trong tình huống cần thiết, nhưng phải giữ được tính mạng đối tượng nhằm phục vụ công tác điều tra về sau.
Khác với kế hoạch của các ngày trước đó, đối tượng bị khống chế, bắt giữ trên đồi Độc Lập đều được đưa về tiểu ban chỉ huy ngay chân đồi để trực tiếp đấu tranh, phân loại, phục vụ việc truy bắt tiếp, đảm bảo kịp thời nhanh chóng.
Bộ câu hỏi nghiệp vụ lại được sử dụng. Qua đó đã xác minh ngay 24 đối tượng bị bắt giữ đều là thành phần trực tiếp tham gia vụ khủng bố với vai trò chủ chốt.
Khi vòng vây của công an siết chặt, không còn lối thoát, 1 đối tượng trong nhóm cầm đầu đã tự sát bằng súng.
Các đối tượng sừng sỏ bị bắt tạo ra bước ngoặt trọng cho việc quét sạch các phần tử liên quan, đồng phạm trong những ngày sau.
Cùng thời điểm, Bộ Công an phát đi thông báo đề nghị người dân huyện Cư Kuin và các địa bàn lân cận bình tĩnh, không hoang mang, thực hiện theo yêu cầu của chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng.
Chính quyền tỉnh ĐắkLắk yêu cầu: Các xã của huyện Cư Kuin được chỉ đạo trực 100% quân số, người dân tạm thời không ra khỏi nhà. Nhà chức trách cũng phát đi lời kêu gọi quần chúng nhân dân nếu phát hiện đối tượng lạ mặt, tình nghi thì báo ngay cho chính quyền địa phương và lực lượng công an gần nhất.
Các gia đình có con, em, người thân vi phạm tích cực vận động, động viên họ ra đầu thú, thành khẩn khai báo để hưởng chính sách khoan hồng.
Xuyên suốt quá trình 5 ngày vây bắt nhóm khủng bố, những người đàn ông Tây Nguyên đã mang theo xe máy, công cụ lao động hàng ngày bủa ra các ngả đường, theo chân cảnh sát để hỗ trợ truy tìm, bắt giữ các đối tượng. Những người phụ nữ ở lại buôn làng, người lấy rau, vo gạo nấu những suất cơm tình nghĩa tiếp tế cho các chiến sĩ phá án.
“Họ báo tin cho chúng tôi những dấu vết của nhóm tội phạm. Họ dùng xe máy chở anh em chiến sĩ để tới nhanh hơn nơi có kẻ gây án đang ẩn nấp. Tình cảm của bà con, buôn làng khiến chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, khiến kẻ khủng bố nhìn thấy cũng chùn chân”, Thượng tá Diêm Công Toàn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên kể lại.
Từ thắng lợi này, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố 90 bị can về những tội danh: “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; “Không tố giác tội phạm” và “Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép”.
Thiết kế: Phạm Luyện
Hoài Anh/Vietnamnet