Tối 13-11, tại Trụ sở của UNESCO ở thủ đô Paris (Pháp), Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày UNESCO ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ – Trưởng phái đoàn Việt Nam thường trực bên cạnh UNESCO Trần Thị Hoàng Mai, đại diện các đoàn ngoại giao, các hội đoàn Pháp – Việt, bạn bè Pháp và quốc tế cùng cộng đồng người Việt ở Pháp.
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai nêu rõ, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trên hành trình đi tìm đường cứu nước. Người đã dành trọn cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước Việt Nam và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc, nhân dân và non sông đất nước Việt Nam. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập và tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo ra hy vọng, mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức bởi chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập, hòa bình và bình đẳng cho dân tộc.
Đại sứ Trần Thị Ngọc Mai nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người đã để lại cho nhân dân Việt Nam một di sản vô giá, đó là tư tưởng của Người, không chỉ về lý tưởng Cách mạng Việt Nam mà còn về vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục, văn hóa vì hòa bình và phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục vì hòa bình và phát triển bền vững. Về văn hóa, Người mong muốn đem ánh sáng văn hóa đến cho mọi người cùng khổ để soi đường cho họ tự giải phóng, tự đứng lên đấu tranh với các thế lực áp bức, bóc lột. Các tác phẩm, bài thơ, tiểu luận, bài diễn văn của Người đã phản ánh sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn minh của con người, và niềm tin đối với sức mạnh của các nền văn hóa trên thế giới, của mỗi người và của mọi quốc gia. Đây cũng chính là những mục tiêu lớn lao được UNESCO theo đuổi.
Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova nhắc lại kỷ niệm khó quên trong chuyến thăm lần thứ ba tới Việt Nam. Đó là vinh dự được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Bà Irina Bokova nói: “Hôm nay tôi rất vinh dự được tham dự sự kiện văn hóa đặc biệt này để kỷ niệm 30 năm Ngày thông qua nghị quyết 24C/18.65 tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris năm 1987, dành vinh dự cho Tổng Giám đốc UNESCO và các nước thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990 (1890-1990)”.
Bà Irina Bokova nhấn mạnh: Cách đây 30 năm, Nghị quyết của UNESCO đã ghi rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một “biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Theo Tổng Giám đốc UNESCO, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có tâm hồn và trí tuệ lớn lao và sự thật là Người đã từng là một nhà thơ, một nhà báo và một nhà giáo. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu rất rõ sức mạnh của giáo dục để có được quyền tự quyết của dân tộc và quyền của mỗi cá nhân. Tư tưởng của Người về sự nghiệp giáo dục đã được thể hiện rõ trong câu nói: ” Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Hợp ca quê hương biểu diễn hợp xướng “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”.
Năm 1945, trong lời hiệu triệu xóa nạn mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Để bảo vệ nền độc lập quốc gia, để nâng cao vị thế và làm giàu đất nước, mỗi người trong chúng ta cần phải biết đích xác quyền lợi và trách nhiệm của mình là gì… Trước hết, mỗi người cần phải biết đọc, biết viết”.
Vì vậy, bà Irina Bokova cho rằng, trong lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn mọi người dân Việt Nam cùng cố gắng để hướng tới tương lai tươi sáng. Vì Người đã dùng từ “mỗi người” để nhắc nhở, động viên cả nam giới và chị em phụ nữ. Điều đó cho thấy, Người hiểu rõ rằng phụ nữ cần có vai trò quan trọng trong tương lai của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hiểu rõ về sức mạnh của văn hóa khi từng nói rằng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Như vậy có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi văn hóa là yếu tố quan trọng để khẳng định bản sắc và nguồn gốc. Người đã luôn mong muốn chia sẻ những giá trị độc đáo của các di sản Việt Nam với thế giới.
Theo bà Irina Bokova, những hình ảnh được trưng bày tại Lễ kỷ niệm phản ánh rõ nét hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi từ Đông sang Tây, và cho thấy Người đã sớm thấy rõ tầm quan trọng của đối thoại giữa các nền văn hóa, là nền tảng để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và là động lực để thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững.
Trong bài phát biểu của mình, nhà sử học Alain Ruscio cho rằng, những ý kiến của các nhân chứng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là bằng chứng sống động và cụ thể nhất về con người và nhân cách vĩ đại của Người. “Một trăm năm trước đây, mấy ai có thể tưởng tượng được rằng, một thanh niên Việt Nam bôn ba khắp thế giới, làm đủ nghề lại có thể tìm ra con đường cứu nước cho nhân dân, cho dân tộc của mình để lật đổ ách thống trị, áp bức của hệ thống chủ nghĩa thực dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại, lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên những mốc son chói lọi trong lịch sử đất nước”.
Giới thiệu hai bài thơ phổ nhạc của Bác Hồ.
Sau phần biểu diễn của Hợp ca quê hương với hai bài hợp xướng: “Ca ngợi Tổ quốc” và “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, hai bài thơ của Bác Hồ do nhạc sĩ Louis Durey phổ nhạc được giới thiệu tới bạn bè Pháp và quốc tế. Đó là hai bài thơ “Tôi đọc – Je lis” và “Thu dạ – Nuit d’automne”.
Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày UNESCO thông qua nghị quyết về việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự kiện quan trọng diễn ra tại Trụ sở của UNESCO. Sự kiện này được tổ chức với chủ đề “Hồ Chí Minh – danh nhân văn hóa và hòa bình”, là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế và nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tại Khóa họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20-10 đến 20-11-1987, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” vào năm 1990. Nghị quyết được soạn thảo và thông qua căn cứ theo Nghị quyết 4.351 của Kỳ họp thứ 18 về các hoạt động kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại.
Nghị quyết ghi rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc… Đại hội đồng UNESCO đã đề nghị các nước thành viên “cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”, đồng thời đề nghị Tổng giám đốc UNESCO “triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam”. |
KHẢI HOÀN và ĐÌNH TUẤN/Báo Nhân dân