“Tù nhân lương tâm” – một cụm từ được không ít trang thông tin tuyên truyền của các cá nhân, tổ chức phản động sử dụng khi nói về những đối tượng bị Nhà nước Việt Nam tuyên án do có hành vi phạm tội xâm phạm đến an ninh quốc gia.
Sau những cái tên như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Lê Thị Công Nhân… các đối tượng lại tiếp tục “khóc thuê”, “hát mướn” cho Huỳnh Trương Ca. Và hiển nhiên, sau những lần “khóc mướn” này, chiêu bài dân chủ, nhân quyền lại tiếp tục được các đối tượng sử dụng nhằm xuyên tạc tình hình ở Việt Nam.
Tù nhân là những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị toà án tuyên là có tội và phải chịu hình phạt tù theo quyết định có hiệu lực của toà án. Nói như vậy để thấy, việc một người bị phạt tù là hậu quả tất yếu khi người đó có hành vi phạm tội, xâm phạm các quan hệ xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vậy nhưng “lưỡi không xương trăm đường lắt léo”, các đối tượng thù địch, chống đối Việt Nam đã dựng lên cụm từ “tù nhân lương tâm” để bao biện cho những kẻ phạm pháp.
Tìm hiểu nguồn gốc cụm từ “tù nhân lương tâm”, có thể thấy nó ra đời vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước để đề cập đến những người bị giam giữ, bỏ tù vì lý do chủng tộc, chính trị, tôn giáo, màu da, niềm tin hay lối sống của họ, miễn là họ đã không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực.
Nói một cách dễ hiểu, những người được gọi là “tù nhân lương tâm” là những người không hề có hành vi phạm tội nhưng vẫn bị kết án phạt tù. Lạ lùng thay, ở Việt Nam, tất cả những kẻ chống phá Nhà nước khi bị kết án đều được các thế lực thù địch, chống đối chụp mũ cái tên “tù nhân lương tâm”.
Bất chấp việc những người này vi phạm quy định trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, bất chấp việc các đối tượng xâm phạm đến an ninh quốc gia của Việt Nam, bất chấp những hậu quả nguy hiểm mà các đối tượng đã gây ra cho xã hội, một số kẻ không những không lên án mà còn trở bút ca ngợi, suy tôn những đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam như những anh hùng.
Viết về các đối tượng chống phá Việt Nam, có kẻ không “ngượng mồm” tuyên truyền:“Họ là những thanh niên căng tràn nhiệt huyết hành động vì quê hương, nhưng bị nhà cầm quyền tước đoạt tuổi thanh xuân”, “Họ là những cựu chiến binh suy tư về thời cuộc và mang trong mình khát vọng cống hiến cho đất nước”, “Họ là những nhà giáo có đạo đức và sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiệp để đi theo tiếng gọi của lương tri”, “Họ còn là những bloggers, luật sư, người bất đồng chính kiến, những người công nhân, tín đồ tôn giáo… Những con người nặng lòng với quê hương, đất nước”.
Đúng là sự lố bịch! Từ bao giờ, hành động chống phá Nhà nước, chống phá nhân dân lại được gọi là yêu nước, từ bao giờ, những kẻ lẻo mép, suốt ngày chửi bới chính quyền, Tổ quốc, miệt thị đất nước mình lại được cho là đang đấu tranh vì tự do, nhân quyền?
Gần đây nhất, các đối tượng phản động đang tích cực “khóc mướn” cho Huỳnh Trương Ca, một đối tượng bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Lợi dụng mạng xã hội, Huỳnh Trương Ca đã tiến hành Livestream chia sẻ, tuyên truyền các thông tin bịa đặt, phỉ báng chính quyền. Đứng trước vành móng ngựa, Ca cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Vậy nhưng, các đối tượng chống đối vẫn ngang nhiên xếp Ca vào nhóm “tù nhân lương tâm”.
Thậm chí, ngay cả khi Huỳnh Trương Ca đang bị thi hành hình phạt tù, nhiều kẻ vẫn tích cực sử dụng Ca như một quân cờ để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Vẫn giọng điệu “mèo khóc chuột”: “Huỳnh Trương Ca từ lâu bị nhốt trong phòng tối, chung với bọn xã hội đen, ngáo đá … ăn uống thì bữa đói bữa no, cuối tuần hầu như chỉ ăn cháo”.
Xin thưa, nhà tù không phải là khu nghỉ dưỡng, cũng chẳng phải là khách sạn mà được chọn phòng, xếp chỗ, được ăn ngon, mặc đẹp, nằm êm. Và cũng xin thưa, xã hội đen, ngáo đá phạm pháp hay quan chức “dính chàm”, bất cứ ai đi chăng nữa thì trước pháp luật, tất cả đều bình đẳng, đều bị xử lý theo đúng tính chất, mức độ phạm pháp.
Lẽ nào, khi được phong là “tù nhân lương tâm”, anh thuộc “đẳng cấp trên” so với người khác để thích nói gì thì nói, làm gì thì làm? Thế mới thấy, những kẻ được gọi là “tù nhân lương tâm”, những người tự phong mình là anh hùng đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, nhân quyền lại là những kẻ mang nặng tư tưởng phân biệt tầng lớp, kì thị con người. Việc dựng lên cái gọi là “tù nhân lương tâm” suy cho cùng cũng nằm trong toan tính của các đối tượng phản động.
Có thể thấy, nhóm “tù nhân lương tâm” đều là những kẻ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, những kẻ chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Từ lâu, trong chiến lược “diễn biến hoà bình” – chiến lược chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam từ bên trong bằng phương pháp “hoà bình”, các thế lực thù địch, phản động đã dùng chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, vừa xuyên tạc tình hình trong nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ mất đoàn kết dân tộc, vừa gia tăng tuyên truyền tư tưởng, văn hoá, lối sống phương Tây.
Để thực hiện chiến lược này, đội ngũ các đối tượng chống đối, phản động, cơ hội chính trị được sử dụng triệt để. Hiển nhiên, khi các đối tượng có hành vi chống phá an ninh, hoà bình của Việt Nam thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ở chiều hướng ngược lại, các tổ chức phản động cũng tích cực “tẩy trắng” cho các đối tượng tay sai của mình bằng cụm từ “tù nhân lương tâm”.
Với danh nghĩa “tù nhân lương tâm”, các đối tượng mong ngóng sự “cưu mang”, “thương hại” từ bên ngoài. Thậm chí, không ít kẻ còn… muốn đi ngồi tù để được gọi là “tù nhân lương tâm”, tạo điểm nóng, khuếch trương được “thương hiệu”, thu hút “đầu tư” từ các tổ chức chống đối, phản động bên ngoài. Đồng thời, cũng qua chiêu bài “tù nhân lương tâm”, các đối tượng chống đối tạo cơ hội, tạo cái cớ cho những thế lực ngoại bang can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây sức ép với chính quyền Việt Nam.
Một lần nữa, thực tiễn khẳng định ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Tất cả những người bị kết án và phải chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam đều là những người vi phạm pháp luật hình sự của Việt Nam. Mặt khác, pháp luật Việt Nam là sự thể hiện ý chí của nhân dân Việt Nam, là sự chắt lọc của pháp luật quốc tế. Vì vậy, không có chuyện pháp luật Việt Nam đi ngược lại với thế giới.
Pháp luật giữa các quốc gia trên thế giới không hoàn toàn đồng nhất. Thậm chí, trong một số trường hợp, pháp luật giữa các quốc gia còn có sự xung đột với nhau. Mặt khác, giữa các quốc gia trên thế giới hoàn toàn bình đẳng với nhau. Chính vì vậy, không ai có quyền lấy pháp luật của quốc gia mình áp đặt lên quốc gia khác. Để đánh giá chính xác ở quốc gia nào có “tù nhân lương tâm”, cần phải có sự nghiên cứu một cách chính xác pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của quốc gia đó, tránh tình trạng “chụp mũ” một cách hời hợt.