18 tuổi lên đường nhập ngũ tại chiến trường Campuchia, sau một trận đánh với quân Pôn Pốt, ông Nguyễn Văn Khuyên (58 tuổi, thôn Ao Trạch, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) bị mất liên lạc với đơn vị, một mình lang thang nơi rừng sâu, chống chọi với căn bệnh sốt rét rồi may mắn được người dân bản địa cưu mang.
Ở quê nhà, gia đình đau đớn nhận được giấy báo tử của con với thông tin chưa tìm thấy hài cốt. Thế rồi sau gần 40 năm, nhờ Facebook, ông Khuyên đã tìm được gia đình, người thân như thể một giấc mơ có thật.
Cơ cực nơi xứ người
Người dân thôn Ao Trạch, vẫn gọi cụ Tự là “mẹ Tự”. Mấy ngày nay, ngôi nhà vốn vắng vẻ của mẹ Tự bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi bà con lối xóm đến chia vui. Không vui sao được khi mà người con cả đi bộ đội đánh giặc Pôn Pốt đã có giấy báo tử nay lại trở về sau 36 năm. Nhìn cảnh mẹ con đoàn tụ với nhau, chúng tôi hiểu đến giờ họ còn lâng lâng và chưa tin đó là sự thực.
Giây phút xúc động hai mẹ con cụ Tự gặp nhau sau 36 năm xa cách.
Gia đình cụ Tự sinh cả thảy được 5 người con (3 trai, 2 gái), ông Khuyên là con trai cả. Ngày 10/5/1978, ông Khuyên tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Sau 5 tháng huấn luyện, ông được điều tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam biên giới Campuchia, bảo vệ người dân Campuchia trước họa diệt chủng của Pôn Pốt.
Mới chỉ đặt chân lên nước bạn ít ngày, ông Khuyên và đồng đội đã liên tục mở các trận đánh lớn nhỏ để truy quét Pôn Pốt. Năm 1981 như một bước ngoặt trong đời lính chiến của ông Khuyên. Trong một trận đánh với Pôn Pốt ở khu vực gần biên giới Thái Lan, ông bị mất liên lạc với đồng đội. Khi ấy, ông Khuyên không may dính bệnh sốt rét quái ác.
Không thuốc men, không đồ ăn, nước uống, lại không có đồng đội ở bên, ông Khuyên nằm cả tuần ở bìa rừng. Lúc đó ông chắc chắn mình không thể qua khỏi, rồi lả đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong một khu lán trại, xung quanh là người Campuchia. Thấy ông tỉnh lại, mọi người khuyên ông nên nằm yên tĩnh dưỡng, không đi ra ngoài vì có rất nhiều lính Pôn Pốt.
“Tôi nằm yên ở khu lán trại của những người dân di cư, thỉnh thoảng họ lại mang đồ ăn, thuốc men đến tiếp tế. Tôi chiến đấu nhiều với quân Pôn Pốt nên hiểu độ tàn ác của chúng. Anh em chúng tôi vẫn truyền tai nhau là: “Chỉ khi nổ súng mới biết ai là Pôn Pốt” – ông Khuyên kể lại.
Dù được tiếp tế nhưng thời gian này, ông Khuyên phải gồng mình chống đỡ với căn bệnh sốt rét. Ông liên tục lên cơn co giật, la hét vang cả một góc rừng. Sợ bị lộ, nhiều người dân Campuchia đã ghìm chặt lấy ông không cho vùng vẫy. Được người dân nước bạn tận tình cứu chữa bằng xông lá thuốc, bệnh sốt rét của ông Khuyên đã đỡ.
Để hòa nhập, tránh được tai mắt của Pôn Pốt, cách tốt nhất là phải nói được tiếng bản địa. Với bản tính chịu khó, chỉ gần 1 năm, ông Khuyên đã nói được tiếng bản địa khá trôi chảy, không kém gì người bản địa. Ông được ra khỏi lán trại và hòa nhập vào cuộc sống của người dân nơi đây.
Giấy báo tử của ông Khuyên năm 1982.
Ở quê nhà, sau khi ông Khuyên nhập ngũ, khoảng tháng 4/1982, gia đình nhận được giấy báo tử thông báo ông đã hy sinh tại chiến trường Campuchia và chưa tìm thấy thi thể. Cụ Tứ đứng ngồi không yên, hết đau đớn rồi lại hy vọng có sự nhầm lẫn khi đơn vị viết giấy về.
“Ngày ấy ông nhà tôi cũng buồn lắm, chẳng đêm nào ngủ yên cả, ăn uống cũng không ra gì. Rồi ông ấy lâm bệnh, ra đi sau đó không lâu. Thời gian cứ trôi đi, hy vọng ngày một cạn dần, tôi cũng chỉ mong ước cuối đời tìm lại được hài cốt của con trai chứ không còn tin con trở về nữa” – Cụ Tứ kể lại.
Nơi quê nhà, người mẹ vẫn vò võ đợi mong con thì bên kia biên giới, ông Khuyên phải vật lộn với cuộc sống xa lạ. Ông sống trong lặng lẽ, không dám cất lên nửa lời vì sợ bị lộ thân phận là người Việt Nam. Thế nhưng, sự im lặng chẳng được bao lâu thì quân Pôn Pốt nhận được tin báo gia đình ân nhân người Campuchia cưu mang ông có người lạ mặt. Một đám lính đến kiểm tra.
Người đàn ông nhận ông Khuyên là con cũng đã dặn dò ông phải hết sức cẩn thận, tuyệt nhiên không hé răng nửa lời. Kể từ lần thoát chết đó, ông Khuyên thay đổi trang phục, cách sinh hoạt như một người dân bản địa. Gia đình ân nhân thấy ông Khuyên khỏe mạnh, hiền lành đã quyết định làm mối cho ông một người phụ nữ hơn ông 4 tuổi. Thấy hợp nhau, hai người đã quyết định đi đến kết hôn.
Những tưởng có gia đình, cuộc sống của ông vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, sự cô đơn và cực nhọc. Vợ chồng ông sinh được 8 người con, 2 người mất từ khi còn nhỏ, 2 người thì thần kinh không ổn định. Cuộc sống lại càng khó khăn hơn khi người vợ của ông bị cưa mất một chân do bệnh tật. Ông trở thành lao động chính, gánh vác cả gia đình toàn bệnh tật.
Cuộc gặp định mệnh
Cuộc sống gia đình đầy những vất vả, áp lực nhưng chưa khi nào lòng ông nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Có những đêm không ngủ, hình ảnh cha mẹ rồi các em cứ thế ùa về khiến ông lại bật khóc như đứa trẻ ở góc nhà. Điều an ủi nhất với ông chỉ là khi đến ngày Tết, ông cũng gói bánh chưng, làm giò, cúng lễ tổ tiên như ngày còn ở Việt Nam.
Cứ nghĩ đến mơ ước trở về quê hương là ông lại lao vào làm việc, làm thật nhiều để có tiền lo cho gia đình, để dành dụm tiền trở về. Thế nhưng, sự cố gắng dường như là chưa đủ khi mà vợ và các con ông lần lượt đổ bệnh.
Nhận thấy cuộc sống miền sơn cước quá khó khăn, ông Khuyên từ biệt vợ con để lên Phnôm Penh tìm việc. Ông được một chủ xây dựng nhận làm thợ hồ, tại đây ông có quen một người người tên Lê Trực (huyện Nam Trực, Nam Định).
Ông Trực sinh sống ở Campuchia được gần 20 năm nên khá thông thạo tiếng cũng như địa bàn. Gặp được đồng hương, lại tốt tính, ông Khuyên đem chuyện của mình ra tâm sự và mong muốn được trở về quê hương, tìm lại người thân.
Đồng cảm với hoàn cảnh của ông Khuyên, ông Trực chụp lại ảnh, lấy thông tin về địa chỉ quê quán, tên những thành viên trong gia đình mà ông Khuyên còn nhớ lại rồi đưa lên Facebook để nhờ giúp đỡ. Dẫu biết chỉ là hy vọng nhỏ nhoi nhưng từ khi đăng tin, ông Khuyên luôn thấp thỏm đợi chờ tin từ Việt Nam. 5 tháng trôi qua, không một tin tức, ông Khuyên chán nản muốn buông xuôi thì nhận được điện thoại của ông Trực là có người từ Việt Nam muốn sang để nhận người nhà. Người đầu tiên ông Khuyên được gặp là cô em dâu tên Ngân.
Sau khi ông đưa một số giấy tờ, thông tin thì mọi người đã xác định đó chính là người anh cả lưu lạc 36 năm nay. Dù chưa được gặp nhau trực tiếp nhưng cuộc nói chuyện giữa ông và các thành viên trong gia đình qua Facebook khiến hai bên xúc động không cầm được nước mắt.
Ông Khuyên trở về với vòng tay của người thân xóm làng.
“Tôi cũng có trình bày hoàn cảnh gia đình bên này là vì khó khăn quá, mong ước trở về quê nhưng không có điều kiện. Không ngờ là mọi người nói sẽ cùng nhau sang Campuchia để đón tôi về Việt Nam”- ông Khuyên kể. Tìm được người thân, ruột thịt vui thật đấy nhưng ông cũng phải suy nghĩ, đấu tranh rất nhiều. Một bên là quê hương, người thân máu mủ, một bên là gia đình, vợ con và cả những người đã cưu mang mình. Ông đem chuyện tâm sự với vợ, những mong nhận được lời khuyên.
Ông bất ngờ vì chính người vợ lại động viên ông nên trở về Việt Nam. Sau hơn 1 tháng hoàn thiện các thủ tục, ông đã cùng người em trai là Nguyễn Văn Tình trở về quê hương.
Ông Tình kể lại: “Dù chỉ biết anh Khuyên từ khi còn rất nhỏ nhưng không hiểu sao, khi gặp anh Khuyên, chúng tôi như thân quen từ lâu lắm rồi. Gần 40 năm trôi qua, mọi thứ thay đổi nhiều quá khiến tôi không dám khẳng định. Tôi có đặt thử vài câu hỏi cho anh và vui mừng khi anh đều trả lời đúng. Lúc đó, tôi chỉ còn biết oà khóc rồi chạy lại ôm chầm lấy anh”.
Người vui mừng nhất trong ngày đoàn tụ có lẽ là cụ Tự, cụ rưng rưng nói: “Từ ngày có giấy báo tử, năm nào đến ngày 27/7 tôi cũng làm mâm cơm để cúng giỗ cho con. Mong ước cuối cùng khi xuống suối vàng cũng chỉ là được tìm thấy hài cốt của con chứ ai dám nghĩ có ngày con sẽ trở về như này. Ngày con về, thấy có thông tin con về đến Lương Sơn là rất nhiều người dân, các cấp chính quyền đến để chung vui với gia đình. Lúc con vừa bước xuống, tôi chẳng nghĩ được gì, hai mẹ con cứ thế ôm nhau rồi oà khóc”.
Trời đã chạng vạng tối, cụ Tự tất tả bưng mâm cơm đặt ở giữa nhà, nhẹ nhàng gọi người con trai xa cách gần 40 năm xuống ăn. Dù bữa cơm ấy chỉ có đĩa măng rừng xào thịt nhưng mắt họ ánh lên một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Chốc chốc, ông Khuyên lại gắp những miếng thịt vào bát mẹ với sự thành kính. Hình ảnh tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng mẹ con cụ Tự đã phải chờ đợi mấy chục năm qua mới có được.
Phong Anh/Báo CAND