Trong những ngày này, trên một số tuyến phố có vỉa hè rộng và trước cửa các trung tâm thương mại, chung cư, siêu thị, nhiều quầy hàng bánh trung thu đã được mở bán. Thị trường năm nay tiếp tục ghi nhận sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, mức giá, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn phong phú, phù hợp hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cảnh giác với bánh trung thu không rõ nguồn gốc đang được bán trà trộn trên thị trường.
Thị trường đa dạng mẫu mã, có hộp bánh giá 5 triệu đồng
Thời điểm này, thị trường bánh trung thu chính thức bước vào thời điểm sôi động nhất. Các doanh nghiệp, cơ quan đã bắt đầu mua bánh trung thu để làm quà biếu tặng. Năm nay, bánh trung thu được bày bán từ sớm tại các siêu thị, ngoài vỉa hè cho tới trên “chợ mạng”. Trên thị trường, theo khảo sát của chúng tôi, trung bình giá bánh nướng, bánh dẻo dao động từ 15.000 đồng/bánh đến 250.000 đồng/bánh tùy loại.
Nhân viên bán hàng quầy bánh Kinh Đô ở đường Trần Phú (Hà Đông) – chị Trần Thị Phương Thảo cho biết, giá các loại bánh trung thu năm nay khá ổn định, bánh cũng phong phú, nhiều mùi vị khác nhau. Các loại bánh truyền thống như bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm, đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen…, có giá niêm yết từ 55.000 đồng đến 62.000 đồng/chiếc, trọng lượng là 150g và 180g. Ðối với dòng sản phẩm biếu tặng, giá thấp nhất 640.000 đồng/hộp, cao cấp nhất là hộp bánh trung thu Trăng vàng Black & Gold Kim Cương trong hộp sơn mài giá bán lên đến 5 triệu đồng/hộp. “Bán chạy nhất vẫn là bánh nướng thập cẩm, bánh dẻo thập cẩm vị truyền thống, bánh nhân đậu xanh vị lá dứa”, Trần Thị Phương Thảo nói.
Bánh trung thu handmade được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Theo nhân viên bán hàng La Ánh Minh, quầy hàng nhãn hàng bánh Maison (Hà Đông) cho biết, quầy được mở từ 24/8, những ngày đầu thì sức mua khá, nhưng sau lễ 2/9, lượng mua rất chậm, buổi sáng tới chiều hầu như không có khách, tầm chiều tối và tối thi thoảng có khách ghé thăm để hỏi, nhưng mua cũng không nhiều.. Bánh lẻ của Maison có giá 75.000 đồng/bánh. Hộp bánh dao động từ 350.000 đến 1,5 triệu đồng/hộp tuỳ loại.
Tại quầy bánh trung thu của Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội trên phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) trong buổi tối 5/9, lượng người đi lại đông nhưng thi thoảng mới có khách ghé mua lẻ 1-2 cái. Chị Nguyễn Thị Thanh (Hoàn Kiếm) cho biết, năm nay kinh tế khó khăn nên cũng không mua sắm nhiều, bánh trung thu cũng chỉ mua biếu nội ngoại mỗi nhà 1 hộp. Tại cửa hàng của Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội bánh cũng phong phú. Giá bánh năm nay cũng vừa phải, nhiều loại nên cũng dễ lựa chọn.
Trên thị trường, mùa bánh trung thu năm nay, bánh, nhân bánh cũng đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn. Năm nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp tục cho ra mắt các dòng sản phẩm chú trọng tới bao bì, vỏ hộp sang trọng, thiết kế bắt mắt hơn để phục vụ nhu cầu biếu tặng. Nhiều vỏ hộp được làm bằng gỗ in hoa văn nổi hoặc hộp giấy cao cấp. Theo các nhà sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, do giá nguyên liệu đầu vào đều tăng, cho nên giá bán thành phẩm cũng tăng theo. Do giá tăng cộng với người dân có tâm lý cắt giảm chi tiêu, cho nên sức tiêu thụ các sản phẩm bánh trung thu trong thời gian này chưa cao. Các quầy hàng đều kỳ vọng sức mua sẽ tăng trong những ngày tới.
Bên cạnh kênh phân phối trực tiếp thì năm nay, các loại bánh trung thu còn cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các nền tảng xã hội. Ngoài các thương hiệu có tiếng, truyền thống thì cũng có nhiều sản phẩm bánh trung thu nhập khẩu và do các cá nhân tự làm rao bán. Nhiều cửa hàng “chợ mạng” còn giới thiệu các loại nhân đặc biệt cao cấp như bánh nhân bào ngư, cá hồi, gà quay, cua bát bửu…, giá bánh dao động từ 250.000 đến cả triệu đồng/hộp tùy loại nhân và tùy thương hiệu. Nhiều gian hàng còn có những chương trình khuyến mại như free_ship, tặng thêm voucher giảm giá, tặng các sản phẩm đi kèm để thu hút khách hàng.
Theo chị Nguyễn Thị Lan Yên (Hà Đông), ngày thường chị hay làm các loại bánh để bán, đến mùa bánh trung thu khách quen đặt làm bánh nướng, bánh dẻo. Bánh tự làm, không sử dụng chất bảo quản nên thời hạn sử dụng ngắn. Bên cạnh làm bánh đặt theo yêu cầu của khách, chị Yên cho biết, bếp chị năm nay bán nhân bánh rất chạy, bởi ngày càng nhiều người làm bánh trung thu bán online tìm đến chị để đặt mua nhân tự sên thủ công, không chất bảo quản nên số lượng nhân làm ra tới đâu bán hết tới đó, nhân viên làm không kịp đơn hàng.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng bánh
Vào dịp Tết Trung thu, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, sản phẩm hàng hóa, trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu về nguyên liệu sản xuất bánh; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm… để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, tập trung kiểm tra xác cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bán bánh trung thu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Theo đó, lực lượng QLTT Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Vừa qua, Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 934 Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng đã phát hiện 960 chiếc bánh trung thu nhân trứng chảy (tên MX Lava Custard Mooncake) do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu. Chủ sở hữu hàng hóa được xác định là ông Hoàng Trung Hiếu, hộ khẩu thường trú tại thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc không xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số bánh Trung thu này. Trị giá hàng hóa vi phạm là 19,2 triệu đồng.
Trước đó, Đội QLTT số 24 và Công an huyện Hoài Đức đã kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh chế biến nông sản Gia Hưng, địa chỉ xã La Phù, huyện Hoài Đức, phát hiện 4.000 sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, trong đó 1.960 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất. Ngày 21/8, Ðội QLTT 22 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp Ðội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Bắc Từ Liêm) tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh hàng hóa tại K29, số 9 đường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm. Qua kiểm tra đã phát hiện tại đây đang kinh doanh 4.608 chiếc bánh trung thu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cảnh báo người tiêu dùng về các loại bánh giá rẻ, không nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được bán tràn lan trên các hội nhóm, chợ mạng. Nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm… Do vậy, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng (tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản…). Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng; không bị dập nát biến dạng, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2023, Sở Công Thương Hà Nội cũng khuyến nghị, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiết yếu dịp Tết Trung thu. Tìm hiểu kỹ, lựa chọn, nhận biết và sử dụng các sản phẩm bánh, kẹo, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên lựa chọn các thương hiệu có uy tín để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân và gia đình.
Lưu Hiệp/Báo CAND