Những ca khúc sáo rỗng và phản cảm

share on:

Nhạc nhảm và MV phản cảm là chuyện không mới trong làng nhạc, nhưng dù khán giả đã lên tiếng chỉ trích, một số ca sĩ vẫn chọn hướng đi này để gây chú ý và hút được nhiều view.

Khai thác hình ảnh gợi dục quá đà còn ca từ thì vô nghĩa

Vốn được chú ý từ chương trình Rap Việt mùa 1 với sự độc đáo và phá cách trong ca từ lẫn phong cách biểu diễn, Tlinh (tên thật Nguyễn Thảo Linh, sinh năm 2000 tại Hà Nội) được đánh giá là một gương mặt triển vọng của làng nhạc. Tuy nhiên, sau các sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân được giới trẻ yêu thích, Tlinh lại chọn một “bước lùi” với MV vừa ra mắt Ghệ yêu dấu của em ơi ngập tràn những hình ảnh gợi cảm quá mức mà không gán nhãn độ tuổi, còn lời ca thì sáo rỗng, vô nghĩa.

MV Ừ! em xin lỗi của Hoàng Yến Chibi

CHỤP MÀN HÌNH

Thay vì những câu từ sắc sảo, được đánh giá cao như ở Rap Việt, sản phẩm mới của Tlinh lần này đã nhận về không ít phản hồi tiêu cực, đa số đều cho rằng ca từ quá dễ dãi: “Ghệ iu dấu của em ơi/Ghệ iu dấu của em ơi/Ghệ có biết em cần ghệ/Ghệ có muốn mình cặp kè?/Oki hăm?”; hay “Tình iu các cụ non/Mama ghệ nghe đâu đã muốn có nụ con dâu/Tình iu ghệ ngày ngày cứ bự hơn/Ghệ có muốn qua em quấn quít tít mù ôm nhau?/Lần này em chắc chắn sẽ chậm hơn/Không mắc lại lỗi, không ngẫn thị hơm/Ghệ cứ liệu tự giác và cẩn thận”… Bên cạnh đó, Tlinh lạm dụng cách hát lướt chữ quá mức dẫn đến nếu không có phụ đề thì để hiểu được cô đang hát gì trên nền lời ca như vậy thật sự là một thách thức. “Lần đầu tiên nghe nhạc Việt mà đọc Vietsub vẫn không hiểu”, “Lời ca gì mà tầm thường thế, nghe nhảm nhí, vô nghĩa đến nhạt toẹt”… là những bình luận của người nghe dành cho MV mới của Tlinh.

Phần hình ảnh của MV thì tập trung khai thác hình thể của Tlinh trong bối cảnh bồn tắm, phòng bếp và hồ bơi. Cô mặc những trang phục như đồ ren, nội y và tạo dáng gợi cảm, táo bạo xuyên suốt MV. Điều khiến khán giả đặt câu hỏi là với cách khai thác chủ đề và hình ảnh như vậy, tại sao MV này không hề được gán nhãn độ tuổi phù hợp nhằm không ảnh hưởng đến khán giả nhỏ tuổi.

Những ca khúc có phần lời nhảm nhí, vô nghĩa tràn lan trên mạng xã hội và không ít ca sĩ vì chạy theo view đã sản xuất ra những MV kém chất lượng là vấn đề gây tranh cãi lâu nay ở nhạc Việt. Chi Pu khi ra mắt 2 MV Black Hickey và Sashimi cũng vấp phải chỉ trích nặng nề, bị cho là gợi dục, cổ xúy ngoại tình nơi công sở… khiến cô phải tạm dừng hoạt động âm nhạc. Ừ! em xin lỗi của Hoàng Yến Chibi với những câu hát: “Anh muốn chia tay á, không dễ đâu anh” và “Sit down, Sit down, Sit down” lặp đi lặp lại khiến khán giả bình luận: “Không hiểu ý nghĩa của ca khúc là gì?”, “Nghe đau cả đầu”… Những ca khúc chạy theo xu hướng nhưng không quan tâm đến nội dung và thông điệp rất phổ biến trên nền tảng TikTok có thể kể đến là: 2-3 con mực, Đồng vàng, Anh hứa không bao giờ đua nữa, Bằng lăng nở hoa...

Hình ảnh của Tlinh trong MV Ghệ iu dấu của em ơi

Cắt vụn ca khúc và hệ lụy cho nhạc việt

Có thể thấy, hiện tại nhiều ca sĩ sau khi tung ra MV mới đã PR cho sản phẩm bằng cách đưa ca khúc lên TikTok nhằm tạo trend (thịnh hành). Theo đó, để được thịnh hành trên TikTok, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ Việt chỉ tập trung tạo ra một đoạn nhạc bắt tai dài 15 – 30 giây thay vì chăm chút cả bài. Dần dà, trào lưu nghe nhạc trên TikTok đã gây ra những tác động nhất định đến làng nhạc, các ca sĩ khi thực hiện bài hát chỉ cần chú tâm làm đoạn điệp khúc vài câu sao cho nó dễ thành xu hướng nhất có thể. Thời nay, nhiều ca sĩ thậm chí chọn TikTok là nền tảng đầu tiên để phát hành MV thay vì các trang nghe nhạc khác.

Để quảng bá MV, các ca sĩ tung ra nhiều phiên bản vài câu hát “lạ tai nhất” được cắt ra trong cả bài, với nhịp độ nhanh, đúng trào lưu “speed up” (tăng tốc) theo thể loại nhạc điện tử, remix Vinahouse… trên TikTok để thu hút đông đảo người nghe hơn và điều đó giúp ca khúc “lan tỏa, phổ cập” sâu rộng hơn.

Các chuyên gia âm nhạc trên thế giới nhận định chính trào lưu nghe nhạc trên TikTok với các clip bị cắt vụn, thường có độ dài chỉ 15 – 30 giây đang làm thay đổi cách thức tạo nên một ca khúc dài trọn vẹn và làm thay đổi cả cách âm nhạc phát ra. Điều này thực sự đã khiến âm nhạc bị biến thành “món fastfood – thức ăn nhanh” dễ nghe – dễ quên, và khi nghệ sĩ mải mê chạy theo việc tạo trend trên mạng xã hội thì họ đồng thời bỏ quên chất lượng và giá trị của ca khúc, hoặc có khi tự phá hỏng cả một bài hát bởi chạy theo việc cắt nhỏ từng đoạn.

“Sự ra đời của hàng loạt ca khúc có chung kết cấu, công thức và các bản nhạc cứ na ná nhau với những ca từ vô nghĩa, dễ dãi và hình ảnh quá lố thời gian qua chứng tỏ nhạc Việt cũng đang rơi vào tình trạng trào lưu đó. Nghệ sĩ cần đầu tư chỉn chu ở cả chiều sâu giúp ca khúc có giá trị hơn, chứ không thể chỉ xoay quanh những trào lưu sớm nở tối tàn”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhận định.

Về mặt pháp lý, tất cả các MV, nếu có sai phạm đều phải chịu xử lý theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, và cả điều 3 của Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định những điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Tuy nhiên, hiện có thực trạng cá nhân nào cũng có thể tự thu âm, sản xuất MV để phát hành trên mạng, nên việc cấm đăng tải các ca khúc như vậy là điều khó khăn trong thời buổi mạng xã hội nở rộ. Chỉ khi bị khán giả lên tiếng tẩy chay, bài trừ thì các ca khúc hay người sáng tác mới tự rút bài hát xuống, hoặc bị “hậu kiểm”, xử lý từ các cơ quan quản lý văn hóa.

Phan Cao Tùng/Thanh niên

Facebook Comments