Sau 50 năm, ông Ronald Haeberle (Mỹ), tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai vẫn day dứt, đau đáu giấc mơ cuộc sống trên thế giới mãi mãi hòa bình.
Bảo tàng khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) trưng bày hình ảnh ông Ronald Haeberle, cựu phóng viên quân đội Mỹ đã chụp nhiều bức ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai.
Trong vụ thảm sát Mỹ Lai, ông đã chụp lại tổng cộng 60 bức ảnh ghi lại cảnh tượng kinh hoàng (40 trắng đen và 20 ảnh màu). Cựu phóng viên Mỹ đã ghi lại vụ thảm sát Sơn Mỹ 20 tấm ảnh màu bằng máy Nikon và 40 tấm trắng đen bằng máy Leica.
Sáng 16/3/1968, phóng viên ảnh chiến trường Ronald Haeberle theo chân một đơn vị quân đội Mỹ đi trực thăng tiến vào làng Sơn Mỹ. Khắp nơi đồng lúa chín vàng. Trên cánh đồng nhiều nông dân đang làm việc, trong đó có nhiều phụ nữ, người già và cả trẻ con.
Cựu phóng viên kể lại, những người lính Mỹ lạnh lùng xả súng bắn chết hàng trăm nông dân, còn vào làng đốt nhà và tiếp tục bắn giết ông già, đàn bà, trẻ con. Cuộc thảm sát diễn ra trong vòng 4 tiếng đồng hồ.
Một cụ già bị binh lính lôi ra khỏi nhà trước giờ xảy ra vụ thảm sát. Trong vài giờ, 504 thường dân vô tội ở làng quê Sơn Mỹ, hầu hết là phụ nữ và trẻ em bị sát hại.
Cuối năm 1969, bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai được ông đăng trên tạp chí Life, lần đầu tiên công bố với thế giới sự thật kinh hoàng về cái chết của 504 con người vô tội. Ông nhớ như in cảm xúc thời điểm quyết định công bố bộ ảnh đau thương với bổn phận trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của một phóng viên chiến trường. Ông tâm niệm, một khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn.
Một bé trai ngồi trước mũi súng của binh lính Mỹ. Mỗi lần nhớ lại, Ronald bứt rứt lương tâm không yên. “Trước khi vụ việc xảy ra, người dân nơi đây gần gũi, thân thiện, nhớ nhất là nụ cười của trẻ em luôn vẫy tay chào mỗi khi được chụp ảnh. Chính điều này đã thúc giục tôi phải công bố sự thật vụ thảm sát Mỹ Lai phơi bày ra ánh sáng”, cựu phóng viên chiến trường bộc bạch.
Người anh che đạn cho đứa em trườn trên bờ ruộng. Ronald cho hay đã sử dụng máy ảnh cơ Nikon chụp trong buổi sáng xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai 16/3/1968. Sau 50 năm, bức ảnh này vẫn còn gây tranh cãi, chưa thể xác định được danh tính của hai đứa bé trong bức ảnh. Tuy nhiên, ông Trần Văn Đức (Việt kiều Đức), tự nhận mình là nhân vật trong ảnh. Trên đây là bức ảnh gốc, phía bên bìa phải của bức ảnh là cánh tay của một lính Mỹ.
504 thường dân vô tội ở làng quê Sơn Mỹ, hầu hết là phụ nữ và trẻ em bị quân đội Mỹ giết hại trong vụ thảm sát Mỹ Lai nằm ngổn ngang trên đường làng.
Ông Ronald nắm chặt tay Đỗ Ba, nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai đứng trầm ngâm bên di tích gốc cây gòn thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi). Tại đây, quân đội Mỹ sát hại 15 người dân vô tội trong buổi sáng 16/3/1968. Ảnh: Minh Hoàng.
Trở lại Sơn Mỹ, đi bộ trên đường làng bình yên, cựu phóng viên chiến trường đã bất ngờ trước sự hồi sinh mạnh mẽ ở vùng đất đau thương này. Ông cảm phục nghị lực phi thường của người dân nơi đây đã vượt lên nỗi đau, xây dựng cuộc sống phát triển như ngày hôm nay. “Tưởng nhớ nạn nhân trong vụ thảm sát Mỹ Lai, tôi cầu mong đau thương đừng lặp lại như chuyện ở Sơn Mỹ, cầu mong không còn tiếng súng, thế giới mãi mãi hòa bình”, cựu phóng viên chiến trường ao ước. Ảnh: Minh Hoàng.
Trong vòng 4 tiếng đồng hồ vào sáng 16/3/1968, quân đội Mỹ giết hại 504 thường dân vô tội ở làng quê Sơn Mỹ, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.
Sau một đợt công kích bằng pháo và súng máy bắn từ trực thăng, Đại đội Charlie đổ bộ vào làng Sơn Mỹ. Các binh sĩ của đơn vị này không tìm thấy bất cứ lính Việt Cộng nào trong làng mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em đang cố gắng tìm chỗ ẩn nấp trước cuộc càn quét của quân đội Mỹ. Nhiều người trong làng vẫn còn đang nấu cơm sáng.
Cả đại đội dùng súng, lưỡi lê giết chóc, “tàn sát bất cứ thứ gì động đậy” cả người lẫn gia súc, gia cầm… Lính Mỹ quăng lựu đạn vào nhà dân lành vô tội mà không bận tâm trong nhà có gì. Một sĩ quan túm tóc một người đàn bà và dùng súng ngắn bắn thẳng vào người đó. Một phụ nữ vừa ôm con nhỏ bước ra khỏi nhà liền bị bắn chết ngay lập tức. Khủng khiếp hơn, một họ dùng khẩu súng trường tự động M16 xả đạn bắn tung xác đứa trẻ sơ sinh khi nó vừa rơi xuống đất…
Đến tháng 11/1969, vụ thảm sát mới được đăng tải trên các tạp chí Time, Life và Newsweek. Tin tức về vụ thảm sát hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam.