Thủ tướng Hà Lan đến Việt Nam cùng hơn 20 công ty công nghệ

share on:

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte sẽ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ cao và Diễn đàn Kinh tế xanh.

Tối muộn 1/11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng đoàn đại biểu cấp cao đã đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chuyến thăm diễn ra nhân dịp hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Mark Rutte thăm Việt Nam, hai lần trước là vào năm 2014 và 2019.

Theo Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, tháp tùng Thủ tướng Rutte có đoàn doanh nghiệp gồm 23 công ty, tổ chức trong lĩnh vực công nghệ cao và số hóa.

Tối 1/11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam (Ảnh: TTXVN).

Về lịch trình dự kiến, ngày 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Mark Rutte và hai bên sẽ hội đàm, chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mark Rutte sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ cao, Diễn đàn Kinh tế xanh; đồng thời Thủ tướng Hà Lan sẽ đến tham quan Học viện Ngoại giao và dự kiến có bài phát biểu ở một hội thảo.

Tối 2/11, sau khi dự tiệc chiêu đãi chính thức, Thủ tướng Mark Rutte sẽ trở về nước, kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước (2010), Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (2014) và Đối tác toàn diện (2019).

Quan hệ Việt Nam – Hà Lan phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là về đầu tư, thương mại, nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, có nhiều các cơ chế hợp tác song phương; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.

Hiện, Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam. Các dự án đầu tư chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía Nam: TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…

Trong thời gian qua, viện trợ phát triển không hoàn lại cho Việt Nam của Hà Lan chủ yếu thực hiện qua nhiều chương trình thuộc các lĩnh vực về đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực thể chế cho giáo dục và đào tạo sau phổ thông…

Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước, hai bên thiết lập Ủy ban liên Chính phủ điều phối hoạt động.

Nhiều dự án trong lĩnh vực và khuôn khổ Ủy ban được triển khai hiệu quả đặc biệt là Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đưa ĐBSCL trở thành một khu vực kinh tế phát triển bền vững.

Theo Cục Thống kê Hà Lan, cộng đồng người Việt Nam năm 2020 ở vương quốc này khoảng hơn 20.000 người. Số lượng học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang du học, nghiên cứu tại Hà Lan khoảng 400 học sinh/năm, đa phần là tự túc.

Theo Dân trí

Facebook Comments