Thùng mì tôm của mẹ!

share on:

Cụ bà lưng còng, thấy xe cứu trợ đi ngang đã ôm thùng mì tôm ra gửi theo và nói: ‘Bà chỉ có thùng mì ni thôi, nhờ các chú đem vô cho đồng bào lũ lụt’…

Cụ bà Trần Thị Cháu ôm thùng mì tôm nhờ xe cứu trợ chuyển vào cho đồng bào bị lũ lụt

Câu chuyện đóng góp cứu trợ giúp đồng bào miền Trung trong thiên tai những ngày này đang là thời sự. Nhiều người nổi tiếng, nhiều ngôi sao “showbiz” cùng sự chung tay của mọi người với số tiền rất lớn hàng chục tỉ, trăm tỉ khiến mọi người ngạc nhiên và khâm phục.

Nhưng giúp người dân miền Trung những ngày này không chỉ là con số chục tỉ, trăm tỉ đồng kia, không chỉ hàng ngàn chiếc xe đầy ắp hàng cứu trợ của các đội nhóm thiện nguyện từ Bắc vào, từ Nam ra. Không chỉ bánh chưng, bánh cốm cũng được thiết kế “cầu hàng không” chuyển ra vùng lũ.

Trong hàng trăm tỉ giá trị tiền hàng cứu trợ bà con dịp này còn có một thùng mì tôm của một cụ bà 93 tuổi. Một thùng mì tôm giá trị không lớn, nhưng giá trị câu chuyện mà nó mang lại thì vô cùng lớn. Đó là một cụ bà lưng còng, thấy xe cứu trợ đi ngang đã ôm thùng mì tôm ra gửi theo và nói: “Bà chỉ có thùng mì ni thôi, nhờ các chú đem vô cho đồng bào lũ lụt”.

Câu chuyện của bà cụ “gieo cảm hứng thiện nguyện” kia chính là cụ Trần Thị Cháu (93 tuổi, trú xóm Xuân Phong, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Chủ tịch xã xác nhận nhân vật trong clip tặng thùng mì ấy chính là cụ Cháu, sống một mình, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo tại địa phương.

Có những số tiền lớn của người nổi tiếng được hàng chục triệu người biết.

Nhưng có khi chỉ là thùng mì của một bà cụ đã 93 tuổi, sống lặng im trong cái xóm nhỏ giữa núi rừng tây Nghệ An.

Nếu tính giá trị vật chất, đó là sự tương phản gần như vô cực. Nhưng xét ở khía cạnh tấm lòng, nó cân bằng nhau. Và hợp điểm của hai câu chuyện chính là: Tình đồng bào! Và chắc chắn đất nước này đi qua bao mùa bão dông lại nhờ từ tấm lòng hàng vạn hàng vạn bà mẹ khiêm nhu lặng lẽ như mẹ Cháu ở Nghệ An.

Câu chuyện mẹ Cháu ủng hộ thùng mì gợi nhớ lại hình ảnh một bà mẹ khác ở Phong Xuân, nơi xảy ra sự cố sạt núi vùi trạm kiểm lâm làm 13 sĩ quan, cán bộ hi sinh. Khi bộ đội về lập lán trại dã chiến, nỗ lực tìm kiếm thi thể những người gặp nạn, hàng chục bà mẹ, người chị ở đây đã góp gạo góp rau làm cơm gửi vào hiện trường – nơi hàng trăm chiến sĩ đã quần quật bới đào tìm kiếm anh em.

Ở đó, bà cụ Đặng Thị Kiến đã 83 tuổi, dưới bầu trời sũng mưa, cánh tay già nua ráng sức ôm cái túi “cây nhà lá vườn” là những trái vả – một loại quả ngon ở xứ này – để nấu làm thức ăn cho các chú bộ đội.

Những ngày này, trên những cung đường miền Trung từ Hà Tĩnh tới Quảng Trị có thể thấy hàng ngàn đoàn thiện nguyện trĩu nặng tấm lòng sẻ chia về với miền Trung ruột thịt. Những chiếc xe lấm lem bùn đất của khắp mọi miền hội tụ về miền Trung ruột thịt.

Điều gì đã làm cho bà cụ 93 tuổi ôm thùng mì tôm “gia tài” nghèo khó gửi theo đoàn xe cứu trợ? Câu trả lời là do “nghĩa đồng bào”. Và không có gì ngạc nhiên khi người lính luôn sẵn sàng hi sinh bởi họ có những người dân như mẹ Cháu, mẹ Kiến!

“Đồng bào” hiểu nôm na là sinh ra cùng một bào thai. Có phải từ huyền sử mẹ Âu Cơ với trăm trứng trăm con sinh cùng một bọc đã làm nên yêu thương san sẻ, làm nên những ca dao tục ngữ dạy chúng ta “bầu ơi thương lấy bí cùng”, dạy chúng ta “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, dạy chúng ta nghĩa tình “gừng cay muối mặn”…

Cơ thể con người nhờ vào những hồng cầu miệt mài tuần hoàn nuôi cơ thể để làm nên sự sống. Nếu ví đất nước này như một cơ thể thì “nghĩa đồng bào” là những hồng-cầu-yêu-thương đã tuần hoàn miệt mài trong cơ thể Tổ quốc. Nhờ những hồng-cầu-yêu-thương ấy nên dù phải đi qua dông bão thiên tai, qua chiến tranh địch họa, xứ sở này vẫn luôn vững chãi và lẫm liệt!

Lê Đức Dục/Tuổi trẻ

Facebook Comments