PGĐ Công an tỉnh Sơn La – Đại tá Phùng Tiến Triển cho biết, các đối tượng biết trước sẽ bị tiêu diệt nên đã tẩu tán tài sản trước đó.
Tại cuộc họp báo thông tin về chuyên án 18TN, 19TN sáng 3/7, Đại tá Phùng Tiến Triển cho biết, khi tiến hành giám định hiện trường, trong nhà đối tượng Nguyễn Thanh Tuân có 2 két sắt, nhưng không ma túy, có ít tiền lẻ và đô-la.
Đại tá Triển nói, trước khi chuyên án được chuẩn bị, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động các đối tượng ra đầu thú. Việc tuyên truyền không chỉ bằng phát loa kêu gọi đầu thú, gửi thông báo tới các đối tượng mà còn vận động người thân, mẹ, vợ của đối tượng cùng tác động, vận động tuyên truyền.
VKSND, TAND tỉnh 6 lần viết thư kêu gọi, cử cán bộ trực tiếp đến tận nơi gửi giấy cho cấp ủy, chính quyền sở tại; nơi sinh sống của người thân (bố mẹ, vợ con đối tượng Tuân, Thuận) và gửi đến đối tượng để kiên trì thuyết phục. Gia đình các đối tượng không có ý kiến gì và cũng không hợp tác.
Đại tá Phùng Tiến Triển, Phó GĐ Công an tỉnh Sơn La thông tin tại cuộc họp báo
Riêng Tuân, Thuận ngoan cố không ra đầu thú mà còn kêu gọi, móc nối, tụ tập với các đối tượng ở các địa bàn Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… trước đây có quan hệ làm ăn, đối tượng truy nã… để ráo riết chuẩn bị các phương tiện, vũ khí chống đối, thách thức tuyên bố “tử thủ” với lực lượng công an.
“Thư kêu gọi của VKSND, TAND tỉnh còn nói rõ, nếu như các đối tượng ra đầu thú, chủ động giao nộp vũ khí… sẽ được hưởng khoan hồng. Với mức độ phạm tội nghiêm trọng của Tuân, Thuận đủ để tử hình, nhưng chúng ta vẫn khoan hồng, nhân văn tới mức, sẽ cho đối tượng được hưởng án tù chung thân để có cơ hội gần gũi với gia đình, người thân” – Đại tá Triển nhấn mạnh.
Để thực hiện hai chuyên án này, trước đó 2 tháng, 3 tổ công tác của công an tỉnh Sơn La đã ròng rã kiểm soát trên 3 tuyến đường vào bản Lũng Xá, Tà Dê, từng bước siết chặt việc kiểm soát người, phương tiện nhằm cắt đứt mắt xích tiếp tế lương thực, thực phẩm cũng như các đối tượng bên ngoài vào giúp sức Tuân – Thuận. Đã kiểm soát 500 lượt ô tô, xe máy, phát hiện bắt giữ 28 đối tượng, thu 29kg ma túy đá, 1,17kg heroin, 400.000USD, hơn 600 triệu đồng, 3 súng ngắn, 1 lựu đạn…
Két sắt bên trong chứa toàn tiền lẻ
“Cách thức làm ăn, buôn bán của những đối tượng buôn bán ma túy xuyên quốc gia, đó là chuyển hàng rồi chuyển tiền. Khi chúng biết thông tin chuyên án sắp được mở, chúng không chuyển hàng, giữ tiền trong nhà.
Vì sao sào huyệt không có ma túy?
Thông tin với VietNamNet, đại tá Triển nói: trinh sát nắm bắt được, Nguyễn Thanh Tuân đã tẩu tán tài sản, vật dụng và một khối lượng lớn tiền mặt cho người thân, vợ con.
“Tất cả các bằng chứng chúng tôi đều nắm được, từ việc giao dịch chuyển tiền mặt qua ngân hàng như thế nào, vận chuyển đồ đạc ra khỏi nhà ra làm sao… Những tháng cuối cùng trước khi bị tiêu diệt, các đối tượng này chỉ có một ít tiền lẻ để tiêu dùng, sinh hoạt. Chúng không ra ngoài nên cũng không tự mình tiếp tế được lương thực, thực phẩm, thuốc men, thậm chí ốm còn không có thuốc mà uống” – lời đại tá Triển.
Đại tá Triển cũng nói thêm: “Hai chiếc két sắt tại hiện trường, khi chúng tôi vào khám nghiệm, một két sắt có tầm 1.000- 2.000 USD; một két khác chứa vũ khí, còn lại là tiền lẻ mệnh giá 1.000 – 2.000 đồng, có lẽ là tiền thắp hương của chúng”.
ng tâm sự, khi chuyên án phá xong, ông nhận được điện thoại gọi đến đặt câu hỏi: Tại sao một đối tượng cộm cán về tiêu thụ, buôn bán ma túy cả ngàn bánh mà trong sào huyệt lại không có? Rất dễ hiểu, đó là chúng đã tạm ngừng khi biết có động, và cũng kịp thời tẩu tán hết tài sản khỏi nơi trú ngụ.
PGĐ Công an Sơn La Phùng Tiến Triển chủ trì buổi họp báo
Đầu thú thì sẽ không phải chịu kết cục như vậy
4h sáng 27/6, khi lực lượng nghiệp vụ tiếp cận hiện trường bằng xe chuyên dụng, công an tỉnh Sơn La đã đưa theo hai bà mẹ của hai đối tượng đến tận bản Tà Dê để thuyết phục, hy vọng chúng có thể hồi tâm thay đổi.
“Xót xa lắm chứ. Hai bà mẹ tuổi cao sức yếu, được dìu đến tận nơi trú ẩn của Tuân – Thuận, chỉ cách hầm của chúng 7-8m, nói qua loa công suất lớn. Bà L. (mẹ của Tuân) nói với con “con ra đầu thú để được hưởng khoan hồng. Nếu con cố thủ, con sẽ chết, mẹ sống cũng như chết“. Nhưng đối tượng vẫn ngoan cố không chịu ra” – đại tá Triển thuật lại.
Đại tá Triển xót xa, nếu như 3 tuần trước đây, chúng ra đầu thú thì sẽ không phải chịu kết cục như vậy.
Theo đại tá Triển: “Nếu công an muốn tiêu diệt hai trùm ma túy thì “thời điểm nào cũng được”, song phải tính đến nhiều yếu tố khác”.
Phó trưởng ban chuyên án cũng cho biết, ngoài việc chặt đứt các mắt xích, tay chân có thể hỗ trợ, giúp đỡ hai đối tượng, công an Sơn La trước đó cũng lập hồ sơ đưa 10 đối tượng vào trung tâm giáo dục lao động cai nghiện ma túy, đưa vợ con của đối tượng Tuân – Thuận ra khỏi địa bàn, không để cản trợ hoạt động đấu tranh của lực lượng chức năng.
Thượng tá Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng tham mưu thông tin đến báo chí
Thượng tá Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Sơn La cũng chia sẻ: “Để có được 4 dòng thông tin trong bản báo cáo là kết quả của nhiều tháng trời, nhiều lần vận động, tuyên truyền, thậm chí bằng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ”.
“Thông điệp mà Công an tỉnh Sơn La muốn gửi gắm, đó là vì một cuộc sống bình yên, không khói thuốc ma túy cho người dân miền núi Sơn La. Nó cũng thể hiện sự nhân văn rất lớn của chúng ta, trước khi lựa chọn phương án nổ súng” – đại tá Phùng Tiến Triển nói.
Kiên Trung – Đoàn Bổng/Vietnamnet