Trưa nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm khu hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập của cố chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (Năm Lai) tại TP.HCM.
Sau khi tham dự lễ kỉ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo TP.HCM tới thăm căn hầm bí mật của gia đình ông Trần Văn Lai tại quận 3, TP.HCM.
Căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3, TP.HCM) này là nơi vợ chồng ông Năm Lai đã xây dựng một hầm vũ khí bí mật từ năm 1965.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem kỷ vật vũ khí còn lưu giữ tại đây. |
Tại đây, Tổng Bí thư đã hỏi thăm các nhân chứng lịch sử về quá trình đào hầm, chuyển vũ khí vào cất giấu để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công cách đây 50 năm.
Bà Đặng Thị Thiệp (vợ Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai) cho biết, quá trình ông Lai bí mật đào hầm và giữ vũ khí trong nội thành Sài Gòn từ năm 1962 đến năm 1968.
Tổng Bí thư nói chuyện với những người trông coi tại ngôi nhà và căn hầm bí mật của biệt động Sài Gòn |
Căn hầm chính được ông Lai thiết kế hoàn toàn bí mật, nắp hầm nhỏ nằm giữa phòng khách, chứa được khoảng 15 người, hơn 2 tấn vũ khí.
Sau khi nghe nhân chứng kể lại, Tổng Bí thư bày tỏ xúc động, nâng niu từng kỷ vật tại căn hầm.
Đồng thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khen ngợi truyền thống của gia đình bà Thiệp và động viên cố gắng phát huy, giữ gìn khu di tích độc đáo, hào hùng.
Tổng Bí thư nâng niu các kỷ vật tại kho vũ khí biệt động Sài Gòn |
Tại căn hầm này, đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, các chiến sĩ biệt động đội 5 đã tập kết về đây nhận vũ khí và xuất phát tiến công vào dinh Độc Lập – cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Căn hầm này là chứa kho vũ khí của biệt động Sài Gòn dùng để tấn công Dinh Độc Lập trong chiến dịch Mậu Thân 1968 |
Tại đây vẫn còn trưng bày nhiều hình ảnh, các loại vũ khí, có cả những vật dụng như chiếc xe gắn máy mà đội 5 biệt động sử dụng trong trận tấn công dinh Độc Lập.
Văn Bình/Vietnamnet