“Đến trụ sở CSGT, chị chỉ cần nói là cho em mượn xe, không may vi phạm tốc độ là xong. Chiêu này em áp dụng mấy lần rồi, không CSGT nào phát hiện”, người cho thuê bằng lái chia sẻ.
Mạng xã hội và các diễn đàn ô tô thời gian qua liên tục lan truyền thông tin nhiều tài xế tìm cách đối phó phạt nguội bằng cách… thuê giấy phép lái xe để đóng phạt.
Cụ thể, khi vi phạm luật giao thông đường bộ và bị CSGT gửi thông báo phạt nguội, tài xế đã lên mạng tìm hiểu để thuê người có bằng lái đi đóng phạt thay. Họ chỉ tốn khoản tiền nhất định mà vẫn giữ được bằng để tiếp tục sử dụng.
Một diễn đàn ô tô nêu ví dụ: Anh A lái xe vi phạm tốc độ và bị phạt nguội, kèm theo quyết định xử phạt tước bằng lái 2 tháng. Anh B, chị C có bằng lái nhưng không sử dụng hoặc ít lái xe.
Anh A sẽ thuê bằng lái của anh B hoặc chị C trong 2 tháng với một chi phí nhất định. Sau đó, anh A đi cùng anh B hoặc chị C đến trụ sở CSGT đóng phạt với lý do cho thuê xe, mượn xe lái rồi vi phạm. Như vậy, anh A vẫn giữ được giấy phép lái xe và tiếp tục sử dụng như chưa có chuyện gì xảy ra.
Để làm rõ “chiêu trò” này, phóng viên Dân trí đã vào một số hội nhóm trên mạng xã hội tìm hiểu vụ việc.
Ngày 11/1, người đàn ông trung tuổi vào mạng xã hội tra cứu “Xử lý phạt nguội ở TPHCM”, lập tức có hơn 20 hội nhóm hiện ra với lượng thành viên từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn.
Tại một nhóm có tên “Hỗ Trợ…” với gần 10.000 thành viên, hàng chục người đăng thông tin cần thuê bằng B2 ở TPHCM và các tỉnh để đóng phạt. Bên cạnh đó, một số khác cũng đăng thông tin đang có giấy phép lái xe hạng B1, B2, C… để không và sẵn sàng cho thuê đóng phạt nguội với giá phải chăng.
Phía dưới những dòng trạng thái này có nhiều người vào bình luận, trao đổi lẫn nhau. Các tài xế cam kết không chỉ ở TPHCM mà bị phạt nguội ở bất kỳ tỉnh nào cũng hỗ trợ được.
Để chứng minh lời nói của mình là đúng, người đàn ông giả tài xế nữ đang bị phạt nguội (vì lái xe quá tốc độ từ 10-20km/h trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây) liên hệ với một tài khoản tên T.T. hỏi thuê bằng lái.
Vừa gửi tin nhắn được vài giây, chủ tài khoản đáp lại: “Chị cần thuê giấy phép lái xe phải không, em có. Mà ở Sài Gòn mới được nha”.
Khi biết lỗi vi phạm, người này cho biết mức phạt hành vi này là 5 triệu đồng, tước bằng lái 2 tháng. Chủ tài khoản đồng ý cho thuê bằng 2 tháng với giá 3 triệu đồng. Người vi phạm chỉ chuẩn bị 8 triệu đồng là xong.
“5 triệu là vào đóng phạt cho CSGT, 3 triệu là tiền thuê bằng lái. Chị nhắn địa chỉ và thời gian, em sẽ qua đi chung đến trụ sở CSGT. Đến đó, chị chỉ cần nói là cho em mượn xe đi, không may vi phạm tốc độ là xong. Chiêu này em áp dụng mấy lần rồi, không CSGT nào phát hiện cả. Em học bằng ra để giúp mấy anh chị chứ có để không đâu”, chủ tài khoản nói.
Nhiều người có bằng lái đăng thông tin lên các hội nhóm trên Facebook tìm khách để cho thuê phạt nguội (Ảnh: An Huy).
Thấy khách e dè vì phí hơi cao, người này cho biết giá trên là mặt bằng chung hiện nay. Sau đó, chủ tài khoản yêu cầu khách gửi biển số xe và giấy thông báo phạt nguội qua để tra thông tin trước.
“Em đã ly dị vợ mà năm nay làm ăn khó khăn nữa. Em cho thuê để lấy ít tiền gửi về cho con đang sống cùng bà ngoại ở quê sắm đồ Tết. Chị muốn thuê thì chút gửi biển số xe sớm giúp em rồi đi đóng phạt”, người cho thuê bằng lái nói.
Tiếp tục nhắn tin với một tài khoản tên T.N để hỏi thủ tục khi cho thuê bằng lái, chủ tài khoản đáp: “Chị bị lỗi gì nhỉ? Gửi giúp em ảnh thông báo để tra cứu xem có nhiều vi phạm không”.
Khi khách cho biết mình vi phạm tốc độ từ 10 đến 20km/h, người này nhanh chóng chốt cho thuê bằng 2 tháng, mỗi tháng 1,2 triệu đồng.
Nếu kèm nhiều lỗi khác, chủ tài khoản sẽ cho thuê với giá 1,5 triệu đồng mỗi tháng. “Em sợ chị bị nhiều lỗi, CSGT giam bằng lâu. Cái này em sẽ hỗ trợ đi cùng chị đóng phạt. Chị chỉ cần đứng ngoài, mọi thứ em làm hết. Em vào báo CSGT là em lái xe và đi đóng phạt là xong”, tài khoản T.N. thuyết phục.
Chủ tài khoản liên tục thúc giục khách gửi biển số xe và thông báo phạt nguội qua Zalo để tra cứu. “Gửi thông tin giúp em xem đóng phạt ở đâu. Nhỡ may chị vi phạm bắt đóng phạt ở Hà Nội hoặc Cà Mau chắc em chết. Biết được thì sẽ có hướng xử lý hết”, tài khoản T.N. nói.
Trao đổi xoay quanh “chiêu trò” này, luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn (đoàn luật sư TPHCM) cho biết, căn cứ theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính nhiều lần hay tái phạm là một trong những tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực giao thông.
Việc người vi phạm nhưng lại thuê người khác đến nhận tội và đóng phạt thay có thể nhằm mục đích tránh bị áp dụng tình tiết tăng nặng kể trên. Tuy nhiên, hiện nay phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện chưa tốt và quy định pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý phù hợp đối với hành vi này.
Do đó, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, xem xét hướng xử lý thích hợp, phù hợp với nguyên tắc mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh. Mọi hậu quả do hành vi vi phạm do người gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý thì theo khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Theo đó, chủ xe phải có trách nhiệm chứng minh, phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết hành vi cho mượn xe của mình. Trong trường hợp chứng minh được không phải lỗi do mình thì chủ xe sẽ không bị xử phạt.
Khi thuê xe mà người thuê vi phạm giao thông, thì tùy theo loại lỗi, mức độ vi phạm khác nhau sẽ dẫn đến chủ thể phải chịu trách nhiệm khác nhau.
Theo Luật sư Trương Văn Tuấn, với trường hợp chủ xe cho người không đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, giấy phép lái xe… thuê xe để tham gia giao thông thì ngoài việc người thuê bị xử phạt đối với lỗi của mình, người cho thuê xe cũng bị xử phạt hành chính đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều khiển.
Mức vi phạm này được quy định tại Điểm d, Khoản 8, Điều 30 Nghị định 100/2019, phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, nếu người thuê xe không đủ điều kiện vi phạm giao thông dẫn đến hậu quả là tai nạn giao thông thì chủ xe có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được quy định Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm.
Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện trực tiếp, mà pháp luật không quy định chế tài xử lý trách nhiệm của chủ xe hoặc 2 bên có thỏa thuận khác thì người thuê xe khi bị cơ quan thẩm quyền xử phạt phải chịu trách nhiệm đối với chính lỗi mà mình gây ra.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015, người thuê xe sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu hành vi vi phạm giao thông của mình dẫn đến việc tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác bị xâm phạm.
Trường hợp chủ xe cho người không đủ điều kiện thuê xe mà người thuê xa gây ra thiệt hại thì cũng phải liên đới chịu trách nhiệm theo Khoản 3 điều này. Tuy nhiên, trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác thì cả chủ xe lẫn người thuê xe đều không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.
Theo Dân trí