Sau vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), các thế lực thù địch, tổ chức, hội nhóm, đối tượng phản động, chống đối đã triệt để lợi dụng vụ việc và không gian mạng để xuyên tạc, vu cáo chính quyền, kích động hoạt động chống phá, phản đối chính quyền, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội…
Việc các đối tượng trong và ngoài nước đăng tải các thông tin không chính xác, quy chụp; thông tin không đúng, thổi phồng bản chất sự việc là trái với quy định của pháp luật. Thực tế khi làm việc, lời khai của các đối tượng đã chứng minh điều đó…
Không có quyền lợi trực tiếp liên quan đến vụ khiếu nại đất đai ở khu vực Đồng Sênh, xã Đồng Tâm nhưng Lê Đình Kình và các đối tượng được sự “hậu thuẫn”, “hỗ trợ” của các tổ chức khủng bố bên ngoài như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam Lâm thời, “Triều Đại Việt” và một số phần tử chống đối trong và ngoài nước như Nguyễn Văn Đài (ở Đức), Trần Ngọc Tuấn (Séc), Hồ Cương Quyết (Pháp), Nguyễn Thúy Hạnh (cầm đầu nhóm 50 K ở Hà Nội), Nguyễn Anh Tuấn (thành viên Voice)… để gây ra vụ án “giết người, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ” tại xã Đồng Tâm, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong sự việc này, Lê Đình Kình và một số đối tượng như Bùi Viết Hiểu, Lê Đình Công, Lê Đình Quang, Lê Đình Uy, Nguyễn Văn Tuyển giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo các hoạt động trên. Vậy mục đích của đối tượng là gì?
Kích động, lôi kéo, khống chế một bộ phận quần chúng
Mục đích đầu tiên của Lê Đình Kình và các đối tượng là muốn khẳng định ảnh hưởng và quyền lực với dòng họ, làng xã. Để thực hiện ý đồ này, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn để kích động, lôi kéo, thậm chí sử dụng bạo lực để ép buộc, khống chế một bộ phận quần chúng phải nghe theo sự chỉ đạo của họ… Những trường hợp không nghe theo sẽ bị cô lập hoặc trả thù.
Ngoài ra, mặc dù không có quyền lợi liên quan nhưng số đối tượng trên đã thành lập, trực tiếp điều hành, chỉ đạo cái gọi là “Tổ đồng thuận” để thực hiện các động thái gây rối an ninh trật tự, gây ra vụ “Giết người, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và chống người thi hành vụ” vào ngày 9-1-2020.
Ngoài ra, số đối tượng trên còn có động cơ để trục lợi cá nhân. Cụ thể, những năm qua vừa qua, các tổ chức phản động, khủng bố bên ngoài và số chống đối ở trong nước đã tài trợ tiền cho Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Uy và số “cốt cán” thông qua các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp. Số tiền này, các đối tượng sử dụng một phần để mua lựu đạn, hung khí, chế tạo bom xăng để chống trả lực lượng chức năng, phần còn lại sử dụng vào hoạt động chi tiêu cá nhân. Cùng với đó, còn có dấu hiệu cho thấy số đối tượng trên gây ra vụ án vì mục đích chính trị…
Cụ thể, cùng với việc hỗ trợ tài chính cho gia đình Lê Đình Kình và số đối tượng “cốt cán”, các tổ chức phản động, khủng bố bên ngoài còn chỉ đạo, yêu cầu số này thu thập thông tin, tài liệu, hình ảnh liên quan đến vụ việc tại xã Đồng Tâm để quay video, tổ chức livestream tuyên truyền, xuyên tạc vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, kêu gọi các thế lực thù địch can thiệp…
Lời khai của một số đối tượng đã chứng minh điều đó. Lê Đình Quang (SN 1984, trú tại xã Đồng Tâm), một trong những đối tượng bị bắt giữ khai nhận đã sử dụng tài khoản facebook đều nhằm mục đích khiếu nại đất tại khu vực Đồng Sênh, xã Đồng Tâm.
Đến năm 2018, Nguyễn Đình Quang, một công chức về hưu đã hướng dẫn Lê Đình Quang cách sử dụng Whatsapp. Từ đó, Lê Đình Quang thường xuyên sử dụng tài khoản facebook để chia sẻ các bài viết về đất đai, tình hình Đồng Tâm; livestream các cuộc họp tháng của “Tổ đồng thuận” và kết bạn với những đối tượng hoạt động trong vấn đề dân chủ như Nguyễn Anh Tuấn; Lê Dũng VoVa, “Cát Tiên”, “AnTony Tuấn”. Còn Whatsapp, Lê Đình Quang sử dụng để liên lạc với Nguyễn Đăng Quang, Trần Thị Thảo, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Dũng VoVa để trao đổi về tình hình Đồng Tâm… Ngoài ra, Lê Đình Quang còn giúp Lê Đình Kình liên lạc với Nguyễn Đăng Quang. Sau này, Lê Đình Quang trở thành thành viên ban quản trị “Page Đồng Tâm Media”, “Lê Đình Công”…
Với vị trí này, Lê Đình Quang thường xuyên livestream các cuộc họp của “Tổ đồng thuận” trên page “Đồng Tâm Media” và Lê Đình Công để thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Người chỉ đạo Lê Đình Quang livestream các cuộc họp của tổ là Lê Đình Công. Lê Đình Quang quen biết với nhiều người hoạt động trong lĩnh vực dân chủ, trong đó có Nguyễn Anh Tuấn, Lê Dũng Vova, Antony Tuấn. Ngoài ra còn biết một số đối tượng khác như Hồ Cương Quyết, Nguyễn Đăng Quang và Trần Thị Thảo…, khi các đối tượng này về nhà Lê Đình Kình thăm “Tổ đồng thuận” vào năm 2018.
Quá trình gặp mặt, Nguyễn Anh Tuấn đã hướng dẫn Lê Đình Kình và “Tổ đồng thuận” cách viết đơn gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền việc khiếu nại đất đai, xã Đồng Tâm. Và Nguyễn Anh Tuấn đã động viên mọi người giữ đất… Cuối năm 2018, Nguyễn Đăng Quang, Trần Thị Thảo và Nguyễn Ngân Bùi (đều trú tại Hà Nội) về thăm “Tổ đồng thuận”…
Tại nhà Lê Đình Kình, ba người trên đã hỗ trợ cho “Tổ đồng thuận” 3 triệu đồng để phục vụ việc đi lại, gửi đơn thư khiếu nại về đất đai của thôn Hoành. Tại đây, Nguyễn Đăng Quang đề nghị “Tổ đồng thuận” cài đặt ứng dụng Whatsapp để liên lạc. Trả lời câu hỏi về số tiền hoạt động của “Tổ đồng thuận” những cá nhân, tổ chức ủng hộ tiền cho “Tổ đồng thuận”, Nguyễn Đăng Quang cho biết Nguyễn Thị Nơi (ở xóm 6, xã Đồng Tâm) và Mai Thị Phần là thủ quỹ, quản lý chi tiêu của Đồng Tâm.
Theo lời khai của Công thì chúng đã vận động anh em đóng góp và sử dụng tiền quỹ của “Tổ đồng thuận” để đưa cho Nguyễn Quốc Tuấn mua 10 quả lựu đạn. Việc sử dụng bom xăng do bà Nơi đề nghị, còn Công chủ động lên mạng tìm hiểu cách chế tạo và thực hiện. Công thường xuyên sử dụng facebook cá nhân để livestream về tình hình Đồng Tâm, kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cho hoạt động của các đối tượng.
Ở ngoài nước Đài RFA đã phỏng vấn Công 3 lần, với nội dung phản đối kết quả thanh tra của UBND TP Hà Nội và Chính phủ; Hồ Cương Quyết ở Pháp và một người Mỹ do Nguyễn Chí Tuyến đưa xuống thăm địa bàn để chụp ảnh và quay phim. Ngoài ra, còn một số người nước ngoài gửi tiền về nước cho Nguyễn Văn Tuyển…
Ở trong nước, các cá nhân tổ chức xã hội dân sự đã nhiều lần xuống thăm hỏi, hướng dẫn Công cách thức đưa thông tin lên mạng xã hội và tài trợ tiền cho Công như Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Nguyễn Bình, Trần Thị Thảo, Nguyễn Trường Thụy…
“Kể từ sau vụ Đồng Tâm xảy ra vào năm 2017 đến nay, chúng tôi đã nhận hỗ trợ tổng cộng hơn 300 triệu đồng. Trong đó có hơn 1.000 USD từ nước ngoài về” – trả lời câu hỏi của phóng viên về số tiền tài trợ từ các tổ chức khủng bố, Công cho biết.
Cũng theo lời của Công thì “Tổ đồng thuận” do bố của Công và ông Hiểu lập ra. Công tham gia vào tổ chức này để đấu tranh giữ đất và cũng là người đã hô hào, vận động mọi người giữ đất”. Công đồng thời cũng là người trực tiếp đưa ra nhiều phương thức đấu tranh bạo lực.
Với sự hướng dẫn của Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Tuyển (SN 1974, trú tại thôn Hoành) cũng trở thành một tay chân tích cực trong việc sử dụng mạng xã hội để lôi kéo, kích động những người dân nhẹ dạ, cả tin. Đối tượng thường xuyên sử dụng facebook để livestream, cập nhật tình hình Đồng Tâm; kêu gọi các cá nhân và tổ chức nhân quyền quốc tế, Chính phủ các nước ủng hộ Đồng Tâm đòi lại đất.
Đối tượng còn sử dụng mạng Whatsapp để liên lạc với một số người thường xuyên quan tâm đến tình hình Đồng Tâm. Tuyển chính là người đã gửi đơn do Bùi Viết Hiểu viết cho Nguyễn Văn Đài và Ngọc Tuấn Trần, Trịnh Bá Phương để nhờ họ chuyển đến Đại sứ quán các nước ở Việt Nam, Liên hợp quốc, chính phủ các nước và tổ chức khủng bố Việt Tân.
Quá trình này, Tuyển kêu gọi các tổ chức ở bên ngoài ủng hộ, hỗ trợ các đối tượng chống đối ở Đồng Tâm. Ở ngoài nước là Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Tuấn Trần. Còn ở trong nước là các đối tượng như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm. Nội dung tương tác chủ yếu cập nhật về tình hình Đồng Tâm, việc hỗ trợ thì có Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Văn Tuấn gửi tiền về cho vào tài khoản ngân hàng của Lê Thị Giang (SN 1989, trú tại Đồng Tâm).
Cụ thể, Nguyễn Văn Đài đã gửi tổng cộng 1.300 USD; Ngọc Tuấn Trần gửi số tiền là 7 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, các đối tượng yêu cầu Tuyển liên tục cập nhật tình hình Đồng Tâm, đăng tải trên facebook. Số tiền này, Tuyển đã chuyển cho Lê Đình Công 13 triệu đồng để phục vụ các hoạt động đấu tranh đòi lại đất. Số còn lại đã cùng một số đối tượng mua lương thực, thực phẩm gồm gạo, mỳ tôm, mỳ chính và quần áo để hỗ trợ cho người dân khiếu kiện tại Đồng Tâm.
Cũng theo lời khai của Tuyển thì toàn bộ phương thức đấu tranh bạo lực đều do ông Kình và Công đề ra; Tuyển chỉ đóng vai trò là người truyền thông và sử dụng nhà làm nơi tập kết vũ khí gồm bom xăng, lựu đạn, đồ ăn thức uống của những người được cho là cùng đấu tranh giữ đất…
Nhiều đối tượng phản động ở nước ngoài tăng cường hà hơi, tiếp sức
Sau khi xảy ra vụ việc tại Đồng Tâm năm 2017, nhiều đối tượng phản động, chống đối trong, ngoài nước như Nguyễn Văn Đài, cầm đầu “Hội anh em dân chủ” ở Đức, Nguyễn Anh Tuấn (thành viên Voice), Trần Ngọc Tuấn (đối tượng chống đối tại Séc), Lê Văn Dũng, “Nhóm luật sư Lộc Hưng”…, đã liên hệ với số đối tượng cốt cán “Tổ đồng thuận” hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn cách thức đăng tải, cập nhật tình hình Đồng Tâm, viết đơn, thư gửi các tổ chức quốc tế, chính giới các nước nhằm kêu gọi sự hỗ trợ. Đáng chú ý, có một số báo, đài như RFA, “Chân trời mới Media” đã trực tiếp gọi điện thoại phỏng vấn Lê Đình Công để viết bài tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước ta.
Một số đối tượng như Hồ Cương Quyết (người Pháp quốc tịch Việt Nam), Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Nguyên Bình, Nguyễn Đăng Quang, Trần Thị Thảo, Lê Văn Dũng, Nguyễn Chí Tuyến…, nhiều lần trực tiếp xuống Đồng Tâm để phô trương lực lượng, tiếp cận, hướng dẫn người dân hoạt động chống đối; kêu gọi quyên góp, ủng hộ tài chính cho “đồng bào Đồng Tâm”.
Để chuẩn bị cho các hoạt động chống lại lực lượng chức năng bằng bạo lực, số đối tượng cực đoan tại Đồng Tâm đã tìm hiểu, nghiên cứu cách thức chế tạo bom xăng, hung khí từ các video clip hướng dẫn trên Youtube; đối tượng Lê Đình Công đã chỉ đạo Nguyễn Quốc Tiến mua lựu đạn thông qua trang web bán hàng trực tuyến trên mạng Internet.