Niềm tin của một dân tộc không thể là sự “ảo tưởng”

share on:

1.Hơn hai mươi năm qua và cho đến bây giờ, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và Đông Âu vẫn như là một cái “cớ” không thể tốt hơn để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, công kích và phủ định chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Và có vẻ như chúng ngày càng như tìm thấy trong đó những “lý lẽ” có sức “thuyết phục” để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Chúng cố tình xuyên tạc: Đó là sự “sụp đổ”, sự “kết thúc” của một học thuyết “lỗi lầm và lạc hậu”; rằng “Chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”[1].

Thời gian gần đây, những luận điệu trên lại được một số người nhân danh “cấp tiến”, mượn danh “vì sự phát triển của dân tộc” tiếp tục rêu rao thêm. Theo họ, cái gọi là CNXH khoa học chỉ là một học thuyết “viển vông”, “ảo tưởng”. Họ cho rằng, Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần; rằng không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa; rằng con đường XHCN mà nhân dân ta đang đi là “trái với quá trình lịch sử – tự nhiên”, rồi họ “khuyên nhủ” chúng ta cần phải đi theo con đường khác, “chủ thuyết phát triển” khác.

Những luận điệu chống phá tinh vi và thâm độc trên được phát tán trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng in-tơ-nét và được lặp đi, lặp lại nhiều lần, tấn công vào mọi đối tượng. Sự tấn công này rất nguy hiểm, nó dễ làm cho một số người, nhất là thế hệ trẻ lầm tưởng rằng những người đó cũng “khách quan, khoa học” khi đánh giá chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Thế nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy rằng, mục đích của họ là rất rõ ràng. Họ cho rằng, làm những điều đó nếu chưa thể xóa bỏ được chủ nghĩa Mác – Lê-nin, thì cũng có thể gây nên sự hoài nghi, dao động trong một bộ phận cán bộ và nhân dân ta. Đồng thời cũng có thể làm nhiễu loạn tư tưởng xã hội, dễ bề cho sự thâm nhập của các loại tư tưởng phi vô sản.

Hiện nay, những ngón đòn chống phá trên lại càng trở nên nguy hiểm khi gắn với việc công kích trực tiếp vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước. Họ lợi dụng những hạn chế, thiếu sót của Đảng, Nhà nước ta để gieo rắc sự bất bình và kích động nhân dân.

Cần phải khẳng định rằng, Chủ nghĩa Mác – Lê-nin không phải là một học thuyết phi thực tế, “ảo tưởng”, “viển vông” như họ cố tình xuyên tạc, bóp méo. Thực tế tồn tại, phát triển và những thành tựu to lớn, những công lao vĩ đại của chế độ xã hội được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin đối với loài người tiến bộ trên thế giới trong gần một thế kỷ qua, đã chứng tỏ lý tưởng XHCN là lý tưởng phù hợp với quy luật vận động khách quan của lịch sử. CNXH là giá trị nhân văn cao cả của nhân loại.

Chắc họ cũng đã rõ, chính Liên Xô – đất nước của Cách mạng Tháng Mười, đã cùng với các lực lượng hòa bình, tiến bộ, là lực lượng quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Chính Liên Xô và hệ thống XHCN là trụ cột của hòa bình và cách mạng, làm nguội đi những cái đầu hiếu chiến của các thế lực đế quốc, bảo đảm nền hòa bình của thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX. Thành tựu và công lao của CNXH từ năm 1917 đến nay đối với nhân loại rất vĩ đại, khẳng định những giá trị tốt đẹp của CNXH hiện thực và tính ưu việt, tiên tiến của nó trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. Điều đó không ai có thể bác bỏ, phủ định được.

Những người khuyên chúng ta “chuyển sang hướng tư bản chủ nghĩa” cần thấy rằng, trong bối cảnh mới cho dù CNTB hiện đại có những biến đổi và phát triển nh­ư thế nào chăng nữa, như­ng bản chất bóc lột, phản động của nó vẫn không thay đổi. Không những thế, sự bóc lột và bản chất phản động của nó đang đ­ược CNTB ra sức mở rộng đến các quốc gia, dân tộc khác bằng hình thức nô dịch và chủ nghĩa cư­ờng quyền mới về chính trị, kinh tế và cả quân sự.

 Những bất công, nghèo khổ vẫn đầy rẫy trong lòng xã hội tư bản hiện đại. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ năm 2010, ở Mỹ có tới 46,2 triệu người (chiếm 15,2% dân số) thuộc diện nghèo, mức cao nhất trong 20 năm qua[2]. Theo Hãng Bloomberg, tài sản của 300 người giàu nhất thế giới năm 2013 đã tăng 524 tỷ USD, nâng tổng giá trị tài sản của họ lên 3.700 tỷ USD. Ở Mỹ, số người nghèo đói và không bảo hiểm y tế là hơn 38,8 triệu người; ở I-ta-li-a, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ người nghèo tăng gấp đôi và hiện có khoảng 4,8 triệu người nghèo đói. Tổ chức Oxfam cảnh báo, đến năm 2025, Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thêm 25 triệu người nghèo đói [3]… Những điều trên đã nói lên một cách rõ ràng tính chất ăn bám, bóc lột của CNTB.

Chúng ta không phủ nhận những cố gắng thích nghi của CNTB và những thành tựu mà nó đạt được, đặc biệt về khoa học công nghệ, kinh tế và cải thiện đời sống của người lao động. Song, cũng cần nhận thức rõ thêm: Nếu như CNTB có sự tiến bộ nào đó về mặt xã hội, thì đó cũng là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, liên tục của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản và sự tác động, ảnh hưởng bởi những giá trị vì con người của CNXH hiện thực thế giới.

Trong tình hình hiện nay, chính từ các quốc gia tư bản phương Tây, người ta lại thấy có những tiếng nói về những giá trị của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác, về phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác. Đặc biệt, ở những thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, trong khủng khoảng nợ công và suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia tư bản phát triển, phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác lại trở nên sôi nổi và thực tế hơn. Các tác phẩm của V.I.Lê-nin vẫn xếp số 1 trên thế giới và được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước[4]. Không thể cố nói bừa rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là học thuyết “ảo tưởng”, đã “lạc hậu, lỗi thời”, khi chính học thuyết này đã tạo nên những hiện thực làm biến đổi thế giới, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử hiện đại và có sức lôi cuốn, tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn nhân loại.

3. Ở nước ta hiện nay, “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”[5]. Quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật, mà ngày càng được thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày. Mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn. Toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng XHCN gần 30 năm qua đã đạt được thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nền giáo dục có sự phát triển, quyền học hành của con người được bảo đảm và ngày càng được thực hiện tốt; tỷ lệ học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tăng khá nhanh; thời gian đi học tăng 3,2 năm (từ 8,7 lên 11,9 năm) [6]; quyền tự do báo chí, tự do hội họp; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng và bảo đảm theo quy định của pháp luật. Từ năm 1980 đến 2012, tuổi thọ người dân Việt Nam tăng 19,7 năm (từ 55,7 lên 75,4) [7].

Cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta còn có nhiều hạn chế, còn nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, nhưng những tiến bộ mà Việt Nam đạt được đã nói lên bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ ta, một chế độ đang được xây dựng trên những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Đó đang là hiện thực, thực tế, không phải là đi theo một CNXH “viển vông”, “ảo tưởng” như họ cố tình gán ghép, xuyên tạc. Bản chất tốt đẹp và tính chất ưu việt của chế độ ta không phải tự nhiên mà có mà là kết quả của biết bao mồ hôi công sức và cả máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam kiên định đi theo con đường, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

__________________

[1] Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H.2007, tr.48.

[2] Báo Nhân Dân, số ra ngày 19-10-2011, tr.5.

[3] Báo Nhân Dân, số ra ngày 4-1-2014, tr.8.

[4] Báo Quân đội nhân dân số, ra ngày 19-4-2012, tr.8.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 85.

[6] Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 9/2013, tr.63.

[7] Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 9/2013, tr.63.

Facebook Comments