Việc bắt giữ cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ chứng minh rằng không một ai “miễn dịch” trước chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh, kể cả những người giữ vị trí lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế.
Theo giới phân tích, vụ bí mật bắt giữ cựu Chủ tịch Interpol người Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ nằm trong chiến dịch chống tham nhũng “Đả hổ diệt ruồi” của nước này được cho là một động thái bất thường, có khả năng sẽ khiến lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho các nhà lãnh đạo người Trung Quốc tại các tổ chức toàn cầu bị lung lay.
Cách đây vài hôm, dư luận quốc tế xôn xao vì Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bất ngờ mất tích sau khi ông này trở về quê nhà Trung Quốc ngày 25/9. Vợ ông là bà Grace Meng đã trình báo sự việc chồng bà mất tích cách đây hơn một tuần.
Theo thông cáo của Bộ Nội vụ Pháp, bà Grace nói bà không nhận được tin tức từ chồng khi ông đi từ Lyon, Pháp (nơi đặt trụ sở Interpol) trở về quê nhà. Trong ngày cuối cùng nhận được tin chồng, điện thoại của ông đã gửi một tin nhắn có hình con dao cho bà Grace, ám chỉ ông đang gặp nguy hiểm.
Theo đài Sputnik, ông Mạnh Hoành Vĩ đã xin từ chức vào ngày 7/10, sau khi giới chức Bắc Kinh xác nhận ông này đang bị Trung Quốc giam giữ và điều tra vì các hành vi vi phạm pháp luật. Bộ Công an Trung Quốc cho biết ông Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra vì nghi vấn nhận hối lộ và phạm tội chính trị tại nước này.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) trích nhận định của các nhà phân tích, cho rằng việc nhắm tới ông Mạnh Hoành Vĩ – người Trung Quốc đầu tiên đảm đương vị trí đứng đầu Interpol từ năm 2016 – chứng minh rằng không một ai “miễn dịch” trước chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này lại gây ra quan ngại về vai trò lãnh đạo của các quan chức người Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế.
Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận xét việc ông Mạnh Hoành Vĩ biến mất bất ngờ đã tạo một làn sóng gây sốc đối với cộng đồng quốc tế và dẫn tới chỉ trích Trung Quốc chưa sẵn sàng để đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo quan trọng.
“Rất khó để có thể tưởng tượng bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác chấp nhận một công dân Trung Quốc đảm nhiệm vị trí lãnh đạo. Liệu họ có đủ chắc chắn và tự tin rằng việc như này sẽ không xảy ra một lần nữa không”, chuyên gia Paul giải thích.
“Vụ việc này rất bất thường. Nó cho thấy Bắc Kinh đang có những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến quan chức cấp cao. Điều này cũng gây ra lo ngại các quan chức Trung Quốc và tổ chức khác có thể phải chịu cùng một mức độ giám sát của Bắc Kinh”, Marc Lanteigne – chuyên gia chính trị Trung Quốc và các tổ chức quốc tế làm việc tại Đại học Massey, New Zealand nhận định.
Trong khi đó, Abigail Grace – nhà nghiên cứu cấp cao thuộc chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh Mỹ – cảnh báo trường hợp của ông Mạnh Hoành Vĩ có thể gây ra nỗi lo ngại giới chức Trung Quốc không thể hoạt động độc lập trong các tổ chức quốc tế. Vụ việc này cũng cho thấy Bắc Kinh đặt chiến dịch chống tham nhũng lên hàng đầu, quan trọng hơn bất kỳ sức ép nào từ cộng đồng toàn cầu.
Những người Trung Quốc từng giữ vị trí lãnh đạo các tổ chức quốc tế
Liu Zhenmin – Phó Tổng thư ký cho các vấn đề kinh tế và xã hội tại Liên Hợp Quốc. Nhà ngoại giao Trung Quốc đã lên làm việc tại Sở Kinh tế và Xã hội thuộc Ban Thư ký Liên hợp quốc năm ngoái, thay thế Wu Hongbo – một nhà ngoại giao Trung Quốc đảm nhiệm vai trò từ năm 2012.
Zhang Tao – Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Phó thống đốc cũ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được bổ nhiệm vào vị trí này tại IMF vào năm 2016.
Yi Xiaozhun – Phó Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đang trong nhiệm kỳ kéo dài 4 năm lần thứ hai của ông với tư cách là một trong 4 Phó Tổng giám đốc tại WTO. Là người Trung Quốc đầu tiên đảm nhận vị trí này, ông Yi là một nhà đàm phán chủ chốt thúc đẩy quá trình gia nhập WTO của Trung Quốc.
Liu Fang – Tổng thư ký Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Bà Liu Fang – quan chức kỳ cựu của cơ quan hàng không Trung Quốc đang trong nhiệm kỳ thứ hai làm người đứng đầu ICAO.
Zhao Houlin – Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế. Ông Zhao được bầu làm lãnh đạo Liên minh Viễn thông Quốc tế vào năm 2014, trở thành công dân Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo cơ quan Liên hợp quốc 150 tuổi này để thúc đẩy hợp tác và tiêu chuẩn hóa công nghệ thông tin và truyền thông.
Xue Hanqin – Phó Chủ tịch Tòa án Tư pháp Quốc tế. Sinh ra ở Thượng Hải và có thời gian du học ở Mỹ, bà Xue được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch của Tòa án Tư pháp Quốc tế vào tháng 2. Bà trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên đảm nhiệm vị trí này.