Vụ “chuyến bay giải cứu”: Bị cáo Hoàng Văn Hưng tiếp tục kêu oan sau khi có hàng loạt bằng chứng

share on:
Dù đại diện Viện kiểm sát đã tung ra nhiều bằng chứng nhưng cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn kêu oan và nêu quan điểm cần làm rõ số tiền mà Nguyễn Anh Tuấn cầm đã đi về đâu.

Ngày 21/7, trong phần Đối đáp vụ án “chuyến bay giải cứu”, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra hàng loạt bằng chứng để cáo buộc cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng phạm tội Nhận hối lộ. Bao gồm: Clip dữ liệu camera cho thấy Hưng nhận chiếc cặp từ lái xe của Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội); các bằng chứng cho thấy Hưng đã can thiệp, đưa thông tin quá trình điều tra vụ án ra ngoài cho Tuấn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Blue Sky) biết và bằng chứng cho thấy Hưng khai báo gian dối.

Dẫn giải bị cáo Hoàng Văn Hưng

Nhưng khi được gọi lên bục khai báo, Hoàng Văn Hưng tiếp tục kêu oan và cho rằng, trước khi khởi tố vụ án, bị cáo không có cơ hội giải trình về lời khai của Nguyễn Anh Tuấn. Tranh luận với kiểm sát viên, Hoàng Văn Hưng đề nghị làm rõ số tiền Hằng chi ra chạy án đã đi về đâu. Nếu ông Nguyễn Anh Tuấn không đưa cho ai, cần khởi tố ông ta tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Nói bị cáo cầm 18 tỷ rồi khởi tố tội lừa đảo, vậy anh Tuấn cầm 43 tỷ đồng sao không phải lừa đảo?”, bị cáo Hưng nói.

Trước đó, ông Tuấn khai trong số 2,6 triệu USD, có 400.000 USD tiền mua đất chung với Hằng nên giữ lại, còn 2,2 triệu USD (khoảng 61 tỷ đồng), ông đã chuyển toàn bộ cho Hoàng Văn Hưng để Hưng “chạy án” giúp Hằng và Sơn.

Cơ quan tố tụng xác định ông Tuấn chuyển 800.000 USD (hơn 18 tỷ đồng) cho bị cáo Hưng; số còn lại (khoảng 43 tỷ đồng) chưa làm rõ ai đang giữ.

Hoàng Văn Hưng sau đó nhắc lại chỉ đạo của lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, nội dung cần độc lập khi khởi tố và phê chuẩn khởi tố; đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội; thu thập cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội.

Trong khi đó, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thời điểm dịch COVID-19, các lãnh đạo Bộ có một nhóm trao đổi công việc qua ứng dụng Viber. Khi đó, nếu Bộ Y tế đã đồng ý, phê duyệt hồ sơ xin cấp phép tổ chức chuyến bay mà bị cáo không ban hành văn bản thì sẽ bị kỷ luật ngay.

Dẫn giải bị cáo Phạm Trung Kiên

Trình bày về tình tiết giảm nhẹ, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời điểm dịch COVID-19, bị cáo đã đi hết các điểm dịch, được Thủ tướng tặng Bằng khen; gia đình bị cáo có nhiều người thân đi chiến trường miền Nam chống Mỹ, chống Pháp.

“Bị cáo có những tình tiết như trên nhưng không được Viện kiểm sát xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo bị đề xuất mức án nghiệt ngã cuộc đời”- bị cáo Kiên nói và xin HĐXX xem xét được giảm nhẹ hình phạt “để làm lại cuộc đời”.

Bị cáo cho biết thêm, theo kế hoạch, trong ngày hôm nay hoặc ngày mai (22/7), gia đình bị cáo sẽ nộp hết toàn bộ số tiền phải khắc phục vụ án. “Bị cáo nhận tội trước nhân dân, Đảng, Nhà nước và ăn năn hối lỗi trước hành vi phạm tội của mình”- Kiên nói.

Viện kiểm sát cáo buộc, trong vụ án này, Kiên nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền là hơn 42 tỉ đồng.

Trước đó, buổi sáng cùng ngày 21/7, tại phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên trong thời điểm dịch COVID-19 đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo, làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín cơ quan nhà nước.

Facebook Comments