Theo chia sẻ của Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, “Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao phương pháp 4 tại chỗ của Việt Nam đó là, chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Theo thống kê, trên thế giới thì mất khoảng 10 ngày để từ 100 ca nhiễm COVID-19 lên 1.000 ca, còn đối với Việt Nam kể từ mốc 100 ca từ ngày 22/3 đến nay (tức là đã hơn 2 tuần) số ca là 241, thấp hơn trung bình của thế giới rất nhiều.
Tiến sĩ Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. Ảnh cắt từ clip
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam, chia sẻ với VTV, Tiến sĩ Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, “3 lý do để Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng này. Thành công không đến chỉ sau 1 đêm. 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã được đầu tư rất nhiều để nâng cấp năng lực của ngành y tế, hệ thống phòng thí nghiệm, khả năng phản ứng trước các tình huống cụ thể của các bệnh viện.
Thứ hai, Việt Nam đã sớm kích hoạt cơ chế cảnh báo dịch. Ngay khi Trung Quốc mới ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên của bệnh viêm phổi lạ vào ngày cuối cùng của tháng 12/2019, Việt Nam đã sớm lên kịch bản ứng phó dịch lây lan từ nước ngoài và lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất là cách tiếp cận toàn dân của chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã hiệu triệu được sự đồng thuận và niềm tin của toàn dân. Từ đó, thực hiện thành công việc giãn cách xã hội như chỉ thị của Thủ tướng ban hành”.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Kydong Park cũng cho biết thêm, ông nhận thấy được niềm tin của người dân với chính phủ. “Người dân tin tưởng chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn trong việc phòng chống dịch, còn chính phủ thì hành động rất quyết liệt và tận tuỵ”.
Trước câu hỏi của PV VTV về những ấn tượng trong phương pháp chống dịch của Việt Nam so với thế giới, ông Park cho rằng, “Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao phương pháp 4 tại chỗ của Việt Nam đó là, chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Những điều trên đã giúp Việt Nam phản ứng nhanh, gắn kết y tế cơ sở với Trung ương, giảm thiểu quả tải cho bệnh viện tuyến Trung ương và giảm tải nhân lực, vật lực tại địa phương. Qua đó cũng phản ánh sự quyết tâm của lực lượng y tế cơ sở trước các quyết sách của chính phủ. Chúng tôi rất ấn tượng với cách chống dịch “Made in Việt Nam” và tôi nghĩ các nước khác cũng nên học hỏi”.
Theo VTV