“Trên chuyến bay cuối cùng của hãng Hàng không Vietnam Airlines từ Đức về Việt Nam, chúng tôi bỗng được thông báo chuyển hướng hạ cánh ở Cần Thơ thay vì TP.HCM như dự kiến. Chúng tôi không kịp chuẩn bị, không kịp thông báo cho gia đình…”
Nguyễn Thị Minh Thy (ngụ tại TP.HCM) là du học sinh tại Đức, trở về Việt Nam để phòng chống dịch COVID-19, hiện đang được cách ly tại Sóc Trăng.
Khu vực cách ly tập trung tại Sóc Trăng. Ảnh: NVCC
Cô đã gửi lá thư với những dòng chia sẻ thật cảm động với khẳng định: “Sức mạnh ấm áp đẩy lùi virus không phải đến từ thời tiết, mà đến từ tình người, từ hai chữ “đồng bào” thiêng liêng, đến từ những nỗ lực phòng chống dịch không biết mệt mỏi của toàn dân, của Chính phủ, Bộ Y tế và quân đội…”
1. Tháng 3 thời tiết chuyển mùa. Cây anh đào trong khu kí túc xã đã rực rỡ hoa, nhưng trong lòng chúng tôi là những lo toan nặng trĩu. Trường học, chỗ làm thêm đóng cửa. Du học sinh như chúng tôi bỗng dưng không có nơi nào để đi, lại thêm phần e ngại những ánh mắt thiếu thiện cảm dành cho người châu Á, đành nhốt mình vào bốn bức tường, ngày ngày chờ đợi một niềm hi vọng mơ hồ.
Hơn hai tháng kể từ khi dịch SARS-nCoV-2 (COVID-19) bùng lên tại Vũ Hán (Trung Quốc), các nước trong khối Liên minh châu Âu, Anh và Mỹ không có động thái nào đặc biệt nhằm chuẩn bị đối phó với dịch dù họ có đủ tiềm lực kinh tế và thời gian.
Người châu Âu thờ ơ với tình hình, vẫn vui chơi, tiệc tùng, đi du lịch bất chấp khuyến cáo từ WHO. Kể cả trong những giấc mơ tồi tệ nhất, tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng được rằng, có một ngày chúng tôi được đứng trên vùng đất mơ ước của mình nhưng lại mang một tâm trạng cô đơn và hoang mang đến như vậy.
2. Ngày rời quê hương còn nhiều khó khăn, chúng tôi mang theo hoài bão của tuổi trẻ, chinh phục những chân trời mới lạ, chạm tới những đỉnh cao tri thức, những tiến bộ khoa học của nhân loại.
Chúng tôi đã từng say mê những cung đường lãng mạn, những lâu đài cổ kính, những mùa xuân rực rỡ nắng và hoa. Không ít lần, chúng tôi so sánh trời Âu với quê hương Việt Nam mình và chạnh lòng tiếc nuối. Chẳng ngờ rằng, đại dịch lần này làm đảo lộn tất cả mọi trật tự cuộc sống mà trước giờ chúng tôi tin tưởng.
Ở đất nước mà chúng tôi vẫn nghĩ là văn minh, người châu Á bị kì thị, bị nhổ nước bọt hoặc thậm chí bị tấn công. Ở đất nước mà chúng tôi cho là giàu có, người già bị bỏ mặc, hàng hoá trong siêu thị bị vơ vét sạch, khẩu trang trong bệnh viện bị đánh cắp. Ở đất nước mà chúng tôi tin tưởng rằng có nền y tế hiện đại, người chết vì nhiễm virus ngày một tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chưa bao giờ chúng tôi hình dung được chính mình đang cố rời khỏi chân trời mơ ước trong tư thế của một người chạy nạn.
3. Trên chuyến bay cuối cùng của hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines từ Đức về Việt Nam, chúng tôi bỗng được thông báo chuyển hướng hạ cánh ở Cần Thơ thay vì TP.HCM như dự kiến. Nhiều người trong chúng tôi không thể giấu nổi sự thất vọng và hoang mang. Chúng tôi không kịp chuẩn bị, không kịp thông báo cho gia đình.
Vừa xuống sân bay, chúng tôi thực hiện khai báo y tế và thăm khám sàng lọc. Sau khi làm xong mọi thủ tục, chúng tôi lại tiếp tục di chuyển trên những chuyến xe của quân khu 9 về địa điểm cách ly tại tỉnh Sóc Trăng. Dù rất mệt mỏi sau một chuyến bay thẳng dài gần 12 tiếng, và vừa trở về từ xứ lạnh, chưa kịp thích nghi với thời tiết nắng nóng của miền Nam, ngồi trên đoàn xe được dẫn đường bởi cảnh sát giao thông và kiểm soát quân sự, chúng tôi cũng không thể ngăn sự tò mò, xen lẫn một chút thích thú ngắm nhìn những kiến trúc Chăm hai bên đường.
Đón chúng tôi từ cổng vào Trường quân sự Quân khu 9, những chú bộ đội nói giọng miền Tây, vẫy chào nồng nhiệt. Dù phải đứng cách xa, dù phải tự bảo vệ mình trong những bộ trang phục y tế kín đáo, các chú bộ đội chào đón chúng tôi như thể đón những người bà con đi xa mới về chứ không phải là những người mang hiểm hoạ bệnh dịch về cho đất nước.
Chúng tôi không bị kì thị, không bị xa lánh như ở trời Tây. Những bác lớn tuổi trên chuyến bay của chúng tôi được các anh bộ đội chăm sóc tận tình. Các bác sĩ kiểm tra sức khoẻ, khám sàng lọc và lấy mẫu xét nghiệm kĩ càng. Mọi bữa ăn đều tươm tất, đủ chất dinh dưỡng. Mọi nguyện vọng của chúng tôi, từ nhu yếu phẩm đến đồ ăn vặt đều được đáp ứng. Điều mà ở nhiều nước phát triển hiện nay là hoàn toàn xa xỉ.
4. Tôi nhận được nhiều lời khuyên của mọi người, rằng nên về Việt Nam để tránh dịch vì thời tiết Việt Nam ấm áp, virus sẽ không dễ lây lan. Trở về đây, tôi có thể khẳng định: Sức mạnh ấm áp đẩy lùi virus không phải đến từ thời tiết, mà đến từ tình người, từ hai chữ “đồng bào” thiêng liêng, đến từ những nỗ lực phòng chống dịch không biết mệt mỏi của toàn dân, của Chính phủ, Bộ Y tế và quân đội…
Tôi thấu hiểu nỗi lòng của những người xa quê lâu ngày, đã đi một chặng đường rất dài và chỉ muốn về với gia đình. Tôi biết cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số cơ sở cách ly còn hạn chế. Nhưng mọi người ạ, quê hương đã bao dung và dũng cảm đón chúng ta trở về. Đó là tất cả những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể mong đợi.
Đã đến lúc chúng ta thực hiện nghĩa vụ của mình đối với quê hương, đất nước, đối với đồng bào, góp sức mình vào công cuộc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng bằng cách chấp hành tốt lệnh cách ly và chỉ dẫn y tế của bác sĩ.
Đừng đòi hỏi vô lí, đừng sợ khó, sợ khổ. Hãy giúp đỡ các chiến sĩ và bác sĩ bằng cách thái độ nghiêm túc, tự giác và lạc quan. Những thiếu sót mình cùng chung tay khắc phục. Đó là cách nhanh nhất để tất cả chúng ta: bệnh nhân, người bị cách ly, bác sĩ, chiến sĩ, lãnh đạo… sớm trở về nhà.
Đối với các bạn du học sinh, tôi hiểu rằng, ai rồi cũng sẽ có hoàn cảnh và sự lựa chọn cho riêng mình, rằng nên trở về cống hiến cho đất nước hay ở lại lập nghiệp nơi xứ người.
Nhưng có một sự thật tồn tại bất biến rằng: chúng ta mãi mãi là người Việt Nam máu đỏ, da vàng. Tổ quốc sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, sẽ luôn bảo bọc chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu. Tôi hi vọng, vào một ngày không xa, chúng ta sẽ cùng nhau quay trở về, không phải trong tư thế của những người chạy nạn, mà là mang tri thức và tài lực của mình góp sức cùng đồng bào trong nước, để xây dựng quê hương mình ngày một giàu đẹp và hiện đại hơn…
Sóc Trăng, ngày 26/3/2020
Theo Báo Giáo dục & Thời đại