Các chuyên gia đánh giá tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là bước đi quan trọng trong việc tiến tới ổn định tình hình trên bán đáo Triều Tiên, cũng như mở ra khả năng giảm căng thẳng trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Ngày 21/4, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra tuyên bố được coi là động thái lớn trong việc củng cố quan hệ liên Triều, ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông Kim Jong-un cũng vạch ra một số bước đi nhằm phát triển kinh tế Triều Tiên.
Các chuyên gia nhận định, Triều Tiên ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa bởi Bình Nhưỡng làm chủ công nghệ vũ khí hạt nhân cũng như có khả năng ngăn cản 1 vụ tấn công hạt nhân. Triều Tiên coi việc sở hữu năng lực hạt nhân là giải pháp để đảm bảo an ninh trước mối đe dọa từ Mỹ trong bối cảnh Washington nhiều lần đe dọa đáp trả chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng bằng hoạt động quân sự.
“Khi nhìn lại 25 năm qua của chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, ta thấy rõ rằng Triều Tiên thực sự không muốn có 1 cuộc chiến tranh với Mỹ. Họ muốn sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ”, kênh truyền hình RT dẫn lời Brian Becker, giám đốc Liên minh ANSWER.
“Họ nhận định bây giờ là thời điểm ngay trước giai đoạn mới trong chính sách ngoại giao hay chiến lược của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Triều Tiên thực sự được đảm bảo về an ninh mong muốn từ lâu”, chuyên gia Becker nhận định.
Theo một số ý kiến, có các thỏa thuận đạt được nhằm chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến bắt đầu từ năm 1950 và kéo dài cho tới tận ngày nay. Nhiều ý kiến hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều được tổ chức ngày 27/4 sẽ mở đường cho giai đoạn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
“Đó là bước đi lớn của Chính phủ Triều Tiên trước thềm hội đàm với Hàn Quốc. Họ đang loại bỏ tất cả những trở ngại có thể ngăn cản bước phát triển lớn, thực sự và khả thi trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời có thể chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên”, chuyên gia Becker nhận định.
Theo chuyên gia này, đây là điều mà tất cả người Triều Tiên đều mong muốn, cũng như việc có được hiệp ước hòa bình, việc có khả năng trao đổi thương mại với các nước trên thế giới và đưa nền kinh tế hội nhập vào kinh tế thế giới.
“Về cơ bản, Triều Tiên đang chuyển sang việc tìm kiếm sự giàu có và thịnh vượng. Họ chứng minh bằng việc ngừng chương trình hạt nhân hoàn toàn và cho cả thế giới thấy rõ bây giờ họ muốn tham gia vào mô hình Đông Á, có thể đem đến phép màu về kinh tế”, Tiến sỹ Simone Chun thuộc Mạng lưới Hòa bình Triều Tiên cho biết.
Nếu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký kết hiệp ước thì sẽ đến lượt Washington có thỏa thuận với Bình Nhưỡng. “Hàn Quốc không thể đem lại cho Triều Tiên đảm bảo an ninh, chỉ có Washington mới làm được điều này”, chuyên gia Becker giải thích và nhận định có thể có khả năng quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ bớt căng thẳng trong thời gian tới.
“Trở ngại lớn nhất sẽ là những gì diễn ra tại Washington. Triều Tiên muốn hòa bình. Hàn Quốc cũng muốn hòa bình. Câu hỏi lớn nhất là Mỹ có thích nghi được với thực tế mới này hay không”, chuyên gia Becker nhận xét.
Nguyễn Tiến/VTC (Nguồn: RT)