Sau hơn hai tháng sang Nam Sudan làm nhiệm vụ quốc tế, bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã khám chữa cho hơn 100 lượt người.
Ngày 27/12, chia sẻ với VnExpress, Cục trưởng Quân y (Bộ Quốc phòng) – thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên cho biết, sau gần hai tháng xuất quân sang phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Bentiu, Nam Sudan, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã bước đầu hoạt động hiệu quả. Bệnh viện đã khám, cấp cứu, điều trị cho hơn 100 lượt người, thực hiện một ca mổ khó, một ca tải thương đường không với yêu cầu tính tổ chức cao và chuyên môn kỹ thuật tốt.
Theo Tướng Kiên, dù mới làm nhiệm vụ chưa lâu, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam được cả Liên Hợp Quốc và người dân tại Bentiu tin tưởng. “Mới đây, ông Jean-Pierre Lacroix, Phó tổng thư ký phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Đại sứ Đặng Đình Quý – Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Việt Nam đã triển khai thành công và nhanh chóng Bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan”, Cục trưởng Quân y kể.
Để có được thành công đó, theo tướng Kiên, là nhờ sự chuẩn bị chu đáo, từ huấn luyện tiền triển khai, trang bị kỹ càng, học tập kinh nghiệm của các nước tham gia bệnh viện dã chiến ở lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Các thành viên của bệnh viện nghiên cứu kỹ phong tục, tập quán của địa phương, các quy trình kỹ thuật quan trọng mà quốc tế quy định.
“Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam khi lên đường có tâm thế tự tin. Quân đội nhân dân Việt Nam đã lên đường là phải chiến thắng, mà chiến thắng đầu tiên là phải vượt qua được mọi khó khăn, phát huy được hình ảnh bộ đội cụ Hồ và chiến sĩ quân y tại quốc tế”, ông nói.
Hiện nay Việt Nam đã thành lập thêm Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thuộc Học viện Quân y. Cơ sở này đã đi vào giai đoạn huấn luyện tiền triển khai, sẵn sàng thay thế Bệnh viện số 1 đang hoạt động tại Nam Sudan.
Thành viên bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam trong ngày lên đường sang làm nhiệm vụ tại phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Ảnh: Thành Nguyễn
Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới, được thành lập ngày 9/7/2011 với dân số 13 triệu, sau thỏa thuận năm 2005 với chính phủ Sudan nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 25 năm, lâu nhất trong lịch sử châu Phi.
Tuy nhiên, quá trình ly khai khỏi Sudan không giải quyết được những xung đột giữa 60 sắc tộc tại Nam Sudan, đặc biệt là hai dân tộc lớn nhất là Dinka và Nuer. Chỉ hai năm sau khi giành độc lập, tình trạng tranh chấp sắc tộc dẫn tới chia rẽ quyền lực chính trị trong nội bộ Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan, tổ chức từng dẫn dắt cuộc đấu tranh giành độc lập của Nam Sudan, đẩy quốc gia này vào vòng xoáy nội chiến giữa các phe phái.
Những cuộc giao tranh đẫm máu giữa các phe nổ ra từ năm 2013 khiến ít nhất 2,2 triệu người Nam Sudan phải rời bỏ nhà cửa và châm ngòi cho một thảm họa nhân đạo. Ngoài xung đột chính trị và bạo lực, hàng loạt đợt hạn hán gây ra nạn đói, đe dọa trầm trọng tới an ninh lương thực ở quốc gia Đông Phi này. Vào tháng 6/2018, khoảng 7 triệu người, chiếm 60% dân số Nam Sudan, cần được cứu trợ và có nguy cơ bị đói.
Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) được thành lập ngày 8/7/2011. Nhiệm vụ chính của UNMISS là bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan, cũng như hỗ trợ chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường.
Việt Nam bắt đầu góp mặt trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc bằng cách gửi 27 lượt sĩ quan tới UNMISS từ tháng 6/2014. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, khẳng định Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trên cơ sở chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bảo vệ hòa bình, không tham gia vào xung đột quân sự mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ nhân đạo, hòa giải.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên cho biết, lực lượng Quân y Bộ đội Biên phòng trên các tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia thường xuyên làm tốt vệ sinh phòng chống dịch bệnh biên giới, khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới của hai nước bạn Lào và Campuchia.
Năm 2018, lần đầu tiên Quân y hai nước Việt Nam – Trung Quốc phối hợp khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới Việt – Trung. Đây là hoạt động bên lề trong chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 5. Quân y hai nước cũng đang hoàn thiện Bản thỏa thuận hợp tác về y học quân sự; chuẩn bị triển khai nội dung kết nghĩa giữa Bệnh viện Trung y/Tổng bệnh viện 301 Trung Quốc và Viện Y học cổ truyền Quân đội Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, chẩn đoán điều trị, phòng chống các bệnh nhiệt đới, trao đổi đoàn học tập kinh nghiệm, học thuật.