Đúng 0h ngày 30-12, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, tạo ra một khu vực thương mại tự do. Hiệp định này sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1 năm 2019.
CPTPP là phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này đã được hơn 1/2 trong tổng số 11 quốc gia thành viên phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12.
CPTPP có 11 thành viên
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thương mại và xuất khẩu New Zealand David Parker nhấn mạnh, CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra những cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Và điểm quan trọng nhất trong thỏa thuận là cắt giảm thuế quan sẽ được thực hiện ngay lập tức.
Cụ thể là 3 thành viên quan trọng của CPTPP gồm Nhật Bản, Canada và Mexico đã tuyên bố giảm thuế quan ngay trong ngày 30-12. Thậm chí, Mexico và Canada sẽ tiếp tục có động thái trong vòng điều chỉnh thứ 2 vào ngày đầu tiên của năm 2019 (1-1) trong khi vòng thứ 2 của Nhật bản sẽ là 3 tháng sau, tức vào ngày 1-4.
CPTPP có hiệu lực đối với Australia và Singapore vào nửa đêm ngày 30-12 và theo dự kiến hai quốc gia này sẽ sớm công bố việc giảm thuế vào những ngày đầu của năm 2019. Riêng Việt Nam sẽ cắt giảm thuế kép khi tham gia thỏa thuận thương mại vào ngày 14-1-2019.
Bộ trưởng Thương mại và xuất khẩu New Zealand David Parker. ảnh: RNZ
“CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuế. Thỏa thuận cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa khả năng cạnh tranh của các sản phẩm New Zealand tại các thị trường này. CPTPP có khả năng cung cấp khoảng 222 triệu USD tiết kiệm thuế cho các nhà xuất khẩu New Zealand hàng năm sau khi nó có hiệu lực, với gần một nửa số đó – hoặc 105 triệu USD – hiện có sẵn trong 12 tháng đầu tiên. Một lợi ích xuất khẩu là cá và các sản phẩm cá, hiện đang phải đối mặt với mức thuế 20% vào Mexico và tới 10% tại Nhật Bản. CPTPP sẽ chứng kiến tất cả thuế quan được loại bỏ đối với xuất khẩu thủy sản, với phần lớn tiền tiết kiệm từ hôm nay”, ông David Parker nói.
Trong khi đó, tờ Asahi Shimbun của Tokyo đưa tin rằng, từ 30-12-2018, Nhật Bản sẽ áp dụng thuế quan đối với quả kiwi, nho và dưa, và cắt giảm thuế đối với thịt bò nhập khẩu từ 38,5% hiện nay xuống còn 27,5%. Cũng theo tờ báo này, Brunei, Chile, Malaysia và Peru sẽ bắt đầu 60 ngày sau khi họ hoàn thành quá trình phê chuẩn CPTPP.
Ngân hàng đầu tư HSBC cho biết trong một thông cáo báo chí rằng 90% thuế quan đối với hàng hóa trong 6 quốc gia đầu tiên đầu tiên phê chuẩn CPTPP đã được gỡ bỏ vào ngày 30-12, trong đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên.
Giám đốc điều hành ngành trồng trọt New Zealand Mike Chapman nhận định, Nhật Bản là một đối tác thương mại quan trọng và việc truy cập miễn thuế vào thị trường Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích lớn cho người trồng trọt. Ông Mike Chapman khẳng định những người trồng kiwi, bí và hành tây sẽ là những người chiến thắng ngay lập tức từ thỏa thuận thương mại này. Còn trang tin nổi tiếng Quartz của Mỹ thì bắt đầu đánh giá những thiệt hại đối với nền kinh tế Mỹ do quyết định của Tổng thống Donald Trump rút khỏi TPP.
CPTPP là thị trường với 500 triệu dân, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Được 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ký kết vào tháng 3-2018 tại thủ đô Santiago de Chile của Chile, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới và khi được thực thi đầy đủ, sẽ bao gồm một thị trường khoảng 500 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) cho biết, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng sẽ khiến nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, chậm lại. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ thì các nước đang phát triển có thể tăng thu nhập ngân sách và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Vì thế, việc CPTPP đi vào hiệu lực là một thắng lợi lớn trong việc tăng cường tự do hóa thương mại.
Với Việt Nam, việc sớm chính thức phê chuẩn CPTPP tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Ngành nông nghiệp sẽ đan xen cơ hội phát triển cũng như thử thách khi Việt Nam tham gia CPTPP. ảnh: TL
Tham gia CPTPP mở ra cơ hội lớn để Việt Nam kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Nhiều người tin tưởng rằng CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam một cách rõ nét hơn, nhanh hơn hiện tại. Nói cách khác, hiệp định tạo cơ sở Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu 2035.
Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh rất cao trong “cuộc chơi” CPTPP này.