Lãnh đạo Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky về chuyện nhanh chóng kết nạp Ukraine vào EU.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Versailles, Pháp, hôm 10/3, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và cam kết củng cố sức mạnh quân sự, làm sâu sắc thêm quan hệ đối với với Kiev.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông muốn “gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Ukraine và người dân quốc gia này về tình đoàn kết trong thời điểm hiện nay”, nhưng “vẫn phải cảnh giác”. Macron nói ông không tin rằng có thể “mở một thủ tục gia nhập với đất nước đang xảy ra chiến sự”.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng nhận định không có triển vọng để Ukraine trở thành thành viên của EU trong thời gian ngắn.
“Tất cả các nước thành viên Tây Âu mà tôi nói chuyện đều cho rằng không nên cố đẩy nhanh thủ tục hoặc quá trình gia nhập vội vã. Điều quan trọng là Ukraine đã đề nghị trở thành thành viên của EU. Không có thủ tục nhanh chóng để được kết nạp vào khối”, ông nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong khi đó cho biết EU chưa sẵn sàng mở rộng quy mô. Quá trình ban hành quyết định cần sự đồng thuận của toàn bộ thành viên.
Ukraine hiện chưa phản hồi về thông tin. Các quốc gia thành viên EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu đưa ra đánh giá về đơn đăng ký thành viên của Ukraine. Quá trình này có thể mất tới 18 tháng.
Chính phủ các nước Tây Âu dường như phản đối kết nạp vội vã Ukraine vào EU vì lo ngại trước nạn tham nhũng lan rộng, thiếu ổn định trong các thể chế cũng như tình trạng kinh tế yếu kém.
Tổng thống Zelensky cùng các lãnh đạo Ukraine ký đơn xin gia nhập EU hôm 28/2, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại quốc gia này. Zelensky thúc giục EU cho phép Ukraine gia nhập ngay lập tức theo cái ông mô tả là “thủ tục đặc biệt mới”, song không nêu chi tiết.
Một quốc gia chỉ có thể nộp đơn vào EU khi đáp ứng các điều kiện nhất định, bao gồm có nền kinh tế thị trường tự do, dân chủ ổn định và chấp nhận tất cả luật pháp của EU cũng như đồng euro. Quốc gia nộp đơn lên Hội đồng châu Âu, bên yêu cầu Ủy ban châu Âu đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí của ứng viên.
Nếu đánh giá của ủy ban thuận lợi, Hội đồng châu Âu phải nhất trí khuôn khổ chính thức cho quá trình đàm phán giữa các bộ trưởng và đại sứ của các chính phủ EU và nước ứng viên.
Ngọc Ánh (Theo Guardian)