Cán bộ “đạo diễn” sai phạm đất ở Đồng Tâm bị phạt hơn 6 năm tù

share on:
Chiều nay, nhiều người liên quan sai phạm đất đai ở Đồng Tâm đã nhận mức án thấp hơn khung hình phạt đề nghị của VKS.

Năm tiếng sau phần luận tội của VKS, tranh tụng liên tục, nghị án xuyên trưa, chiều 9/8, TAND huyện Mỹ Đức tuyên án 6 năm 6 tháng tù với bị cáo Nguyễn Xuân Trường, cựu cán bộ địa chính xã Đồng Tâm trong suốt 20 năm, thấp hơn mức đề nghị 7-8 năm tù của VKS.

Bị cáo Nguyễn Tiến Triển (nguyên bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm) lĩnh 30 tháng tù; Lê Đình Thuần (nguyên chủ tịch xã) 42 tháng; Nguyễn Văn Sơn (nguyên chủ tịch xã) 36 tháng; Nguyễn Văn Bột (nguyên chủ tịch xã) 18 tháng tù treo.

Đánh giá có vai trò thấp hơn, ông Nguyễn Văn Minh (nguyên trưởng công an xã) bị HĐXX phạt 24 tháng; Lê Văn Đức (nguyên phó bí thư Đảng ủy xã) 30 tháng; Bùi Văn Dũng (nguyên trưởng ban tài chính xã) 30 tháng; Bùi Văn Hồng (nguyên xã đội trưởng) 30 tháng, Nguyễn Văn Khang (nguyên kế toán) 24 tháng.

Cả 10 người đều bị tuyên phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bốn cựu cán bộ phòng tài nguyên môi trường huyện Mỹ Đức bị tuyên phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, ông Phạm Hữu Sách (nguyên trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Mỹ Đức) bị phạt 24 tháng tù treo, Đinh Văn Dũng (nguyên phó phòng Tài nguyên và môi trường huyện kiêm Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai) 36 tháng tù, Bạch Văn Đông (nguyên Phó Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai) 30 tháng tù, Trần Trung Tấn (cán bộ hợp đồng văn phòng đăng ký đất đai) 24 tháng tù treo.

Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: Phạm Dự.

Bản án nhận định, các bị cáo có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, biết trước hậu quả nhưng vẫn cố ý để xảy ra. Bốn cán bộ huyện cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Hành vi của các bị cáo làm cho cơ quan nhà nước suy yếu, giảm uy tín.

Trừ bị cáo Trường, những người còn lại đã trả lại đất, thành khẩn khai báo cần được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Bị cáo Trường giữ vai trò chính nên phải chịu hình phạt cao nhất. Bị cáo Triển, Sơn, Thuần có vai trò tích cực.

Nhóm tội thiếu trách nhiệm, tòa cho rằng 4 cán bộ phòng tài nguyên môi trường huyện khi thực hiện nhiệm vụ cấp sổ đỏ đã “chịu áp lực lớn”, trong khi hồ sơ được cán bộ địa chính Trường với 20 năm kinh nghiệm làm giả tinh vi, khó phát hiện. Vì vậy, tòa cho rằng bốn bị cáo cần được xem xét dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, không áp dụng hình phạt bổ sung. Phần dân sự tách riêng khi có yêu cầu.

Ngoài hành vi xét xử hôm nay, các bị cáo còn phạm một số hành vi khác như giao trái thẩm quyền, bán 1.000 m2; giao đất sai đối tượng cho 29 hộ dân; đấu thầu sai… Do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tòa không xem xét.

Trong 14 bị cáo có 10 người được tại ngoại. Ảnh: Phạm Dự

Theo cáo buộc của VKS, cuối năm 1996, UBND tỉnh Hà Tây cũ ra quyết định thu hồi diện tích 5.400 m2 đất do xã Đồng Tâm quản lý, giao cho 49 hộ dân làm nhà ở theo diện cấp đất giãn dân. Chủ tịch xã thời đó là ông Nguyễn Văn Bột và cán bộ địa chính Trường đã tổ chức giao đất cho 39/49 hộ dân với diện tích gần 4.100 m2. Còn lại khoảng 1.300 m2, UBND xã Đồng Tâm không giao nốt cho 10 hộ trong danh sách đã trình tỉnh phê duyệt.

Khi lên làm chủ tịch thay ông Bột, ông Sơn đã cùng ông Triển, Trường ra chủ trương chuyển 10 suất đất này cho 10 cán bộ chủ chốt của xã có nhiều năm công tác. Mỗi nhà 130m2 đất, thu tiền theo giá 100.000 đồng/m2. Trong số này có gia đình ông Bột, Sơn, Trường, Triển cùng Lê Đình Thuần (chủ tịch xã sau này). Tuy nhiên, các “quan xã” đều để người thân đứng tên.

Trong hai ngày thẩm vấn, nhóm cán bộ phòng tài nguyên môi trường huyện khai việc họ cấp sổ đỏ trái quy định vì cán bộ xã Đồng Tâm đã “phù phép” hồ sơ.

Còn nhóm cán bộ xã thanh minh 10 lô đất ỉm lại không chia cho dân do là đất nằm trong khu vực nghĩa trang không ai muốn nhận. Do để lâu “bị ế” nên họ mới chia cho nhau, chứ thực tế chưa ở và sử dụng.

Sáng nay, trong phần tranh tụng, nguyên chủ tịch Lê Đình Thuần cho rằng mức án VKS đề nghị với mình quá nặng, bởi lẽ ông không được bàn bạc, hội ý mà “hoàn toàn thụ động trong hành vi phạm tội”. Từ khi bị phát hiện sai phạm, ông đã bị kỷ luật, cắt mọi chế độ bồi dưỡng, rất thiệt thòi.

Ông thanh minh mắc sai phạm do nguyên nhân khách quan, bởi bối cảnh lịch sử đất đai của Đồng Tâm còn bề bộn, công tác quản lý chưa đồng bộ. “Sau khi thanh tra, kiểm tra thấy sai phạm, tôi đã tự khắc phục, nộp lại đất. Tôi không vụ lợi một xu nào của bà con”, ông nói.

Khi được nói lời sau cùng, các bị cáo đều muốn được giảm nhẹ hình phạt.

Bảo Hà/VNE

Facebook Comments