Do lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, chính phủ Mỹ đã yêu cầu tất cả các nhân viên liên bang xóa ứng dụng truyền thông xã hội do Trung Quốc sở hữu – TikTok – khỏi các thiết bị do chính phủ quản lý. Các chính phủ phương Tây khác hoặc đã đưa ra lệnh cấm tương tự, hoặc đang nghiên cứu về khả năng này, với cùng lý do nêu trên.
Mỹ đi đầu trong làn sóng cấm TikTok
Ngày 27/2, Giám đốc Văn phòng Quản lý ngân sách của Nhà Trắng Shalanda Young cho biết các cơ quan chính phủ Mỹ có 30 ngày để gỡ bỏ ứng dụng chia sẻ video TikTok trên toàn bộ các thiết bị do chính phủ quản lý và trên hệ thống liên bang. Bà Young đã yêu cầu cơ quan chính phủ làm việc với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu của Mỹ bằng cách gỡ bỏ ứng dụng TikTok trên các thiết bị và hệ thống phục vụ công việc
Văn phòng TikTok tại thành phố Culver, Los Angeles, Mỹ.
Quốc hội, Nhà Trắng, các lực lượng vũ trang Mỹ và hơn một nửa số bang của Mỹ đã cấm TikTok trong bối cảnh lo ngại rằng công ty mẹ của ứng dụng này – ByteDance – sẽ thu thập dữ liệu người dùng và sử dụng chúng một cách trái phép.
Trên thực tế, từ năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump và chính quyền của ông đã tìm cách buộc ByteDance bán bớt các tài sản của họ ở Mỹ và đã cấm TikTok trên các cửa hàng ứng dụng. Các tòa án sau đó đã không ủng hộ đề nghị của ông. Tổng thống Joe Biden khi lên nắm quyền cũng đã hủy bỏ các yêu cầu của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông Biden cũng ra lệnh nghiên cứu sâu thêm về vấn đề này.
Tháng 12/2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật không có TikTok trên các thiết bị của chính phủ”. Tuy nhiên, luật này vẫn cho phép các cơ quan sử dụng TikTok trong một số trường hợp nhất định, bao gồm mục đích nghiên cứu, an ninh quốc gia và thực thi pháp luật.
Ngày 1/3 vừa qua, Đạo luật ngăn chặn các đối thủ công nghệ của Mỹ (DATA) do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nghị sỹ đảng Cộng hòa Michael McCaul đề xuất đã được thông qua với 24 phiếu ủng hộ và 16 phiếu phản đối. Theo dự luật này, chính quyền ông Biden có quyền cấm TikTok cùng các ứng dụng khác bị cho là có rủi ro về bảo mật thông tin gây đe dọa đến an ninh quốc gia trên toàn quốc. Tuy nhiên dự luật này cần phải được toàn thể Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua trước khi được chuyển đến Tổng thống Biden.
Các quốc gia theo sau
Tiếp sau Mỹ, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã tạm thời cấm TikTok trên điện thoại của các nhân viên. Ủy ban châu Âu nói rằng trong nỗ lực “bảo vệ dữ liệu và tăng cường an ninh mạng”, các nhân viên làm việc tại Ủy ban đã được lệnh xóa ứng dụng TikTok khỏi điện thoại và thiết bị thông tin của họ. Ủy ban này cho biết có khoảng 32.000 nhân viên hợp đồng và chính thức, và họ bắt buộc phải gỡ bỏ TikTok trước ngày 15/3/2023. Người phát ngôn của EC, bà Sonya Gospodinova, nhấn mạnh rằng quyết định trên được đưa ra vì lý do an ninh. Lệnh cấm nhằm ngăn chặn nguy cơ lợi dụng các kẽ hở an ninh mạng để tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính và môi trường làm việc của ủy ban này.
Cùng tham gia “phong trào” cấm TikTok của Mỹ và Ủy ban châu Âu, chính phủ Canada đã thông báo rằng họ cũng sẽ bắt đầu cấm sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị điện tử do chính phủ cung cấp từ 28/2. Canada đã thông báo việc xóa hoặc chặn ứng dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ nước này quản lý trong một ghi chú gửi các nhân viên Bộ Sự vụ toàn cầu, với lý do ứng dụng này có thể làm người sử dụng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng. Ghi chú cũng nói rằng quyết định này nhằm đảm bảo an ninh cho hệ thống và mạng lưới thông tin của chính phủ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng việc cấm TikTok trên các thiết bị di động do chính phủ quản lý có thể là bước khởi đầu của việc loại bỏ nền tảng phát video trực tiếp này.
Hôm 28/2, Nghị viện Đan Mạch cũng đã yêu cầu các nghị sĩ và toàn thể nhân viên xóa ứng dụng TikTok trên các máy di động của mình. Tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Rishi Sunak cũng đã khuyến khích cấm các quan chức chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị cá nhân và thiết bị của chính phủ cung cấp.
Giới chuyên gia nói gì?
Hãng tin AFP trích dẫn phát biểu của Evan Greer, giám đốc của nhóm vận động phi lợi nhuận Fight for the Future cho rằng mặc dù có khả năng ByteDance bị buộc phải cung cấp dữ liệu người dùng (chẳng hạn như lịch sử duyệt web và vị trí người dùng) cho chính phủ Trung Quốc, nhưng “điều đáng lo ngại không kém là chính phủ Mỹ, và nhiều chính phủ khác, cũng có thể lạm dụng và khai thác dữ liệu được thu thập bởi các công ty công nghệ khác có trụ sở tại Mỹ với cùng các hoạt động kinh doanh thu thập dữ liệu như vậy”.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng có những lý do chính đáng để lo ngại việc này. Anton Dahbura, giám đốc điều hành của Viện An ninh thông tin thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết, những người sử dụng TikTok có thể nghĩ rằng họ không làm bất cứ điều gì có lợi cho chính phủ nước ngoài, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Thông tin quan trọng về Mỹ không chỉ giới hạn ở các nhà máy điện hạt nhân hoặc các cơ sở quân sự mà theo Dahbura, nó mở rộng sang cả các lĩnh vực khác, chẳng hạn như chế biến thực phẩm, ngành tài chính và các trường đại học.
Còn theo bà Stéphanie Laporte, thuộc Viện Nghiên cứu cao cấp Kinh tế và Thương mại Pháp INSEEC, được báo “20 Minutes” trích dẫn, những căng thẳng xung quanh ứng dụng TikTok chỉ là một phần trong cuộc “chiến tranh lạnh công nghệ”mà trong đó phương Tây và Trung Quốc cạnh tranh với nhau để “kiểm soát dữ liệu và không gian mạng”.
Khánh An/Báo CAND