Giảm chiết khấu phát hành, áp giá trần để giảm giá sách giáo khoa

share on:

Sách giáo khoa (SGK) là loại hàng hóa thiết yếu mà bất cứ gia đình nào có con em đi học cũng phải mua. Vậy, làm sao để giá SGK nằm ở mức chấp nhận được, cân bằng giữa quyền lợi của người sản xuất, kinh doanh và người sử dụng SGK? Đây là vấn đề được dư luận đặt ra trong suốt thời gian qua và càng trở nên “nóng bỏng” trước thềm năm học mới.

Giá SGK mới cao gấp 2-3 lần sách cũ

Một bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 4, 8 và 11 mới theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018 có giá từ 250.000- 390.000 đồng, cao hơn 2-3 lần so với bộ đang sử dụng theo chương trình hiện hành (SGK cũ). Cụ thể, SGK lớp 4 cả bộ của NXB Giáo dục Việt Nam, giá dao động 250.000-280.000 đồng trong khi đó giá sách lớp 4 đang sử dụng, theo chương trình cũ, là 87.000 đồng.

SGK lớp 8 và 11 cũng có giá cao hơn 2-3 lần bộ sách cũ; trong đó, bộ SGK lớp 8 nằm khoảng từ 270-300.000 đồng và SGK lớp 11 được bán khoảng 350.000-390.000 đồng. Riêng bộ “Cánh diều”, phụ huynh sẽ phải chi trả mức cao hơn do chưa có sách Tiếng Anh. Bộ SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình GDPT mới cũng dao động từ 177.000-301.000 đồng và chưa bao gồm sách Tiếng Anh, cũng cao gấp 2-3 lần so với SGK chương trình hiện hành.


Giá sách giáo khoa cao sẽ tạo thêm gánh nặng cho một bộ phận người dân có thu nhập thấp vào đầu năm học mới.(Ảnh minh họa)

Theo lý giải của các NXB, sở dĩ giá SGK mới cao hơn chương trình hiện hành xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Về nguồn vốn, việc tổ chức biên soạn, xuất bản SGK được thực hiện bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng. Còn đối với SGK hiện hành, toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới. Do đó, chi phí tổ chức bản thảo SGK hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo SGK mới.

Thứ hai, chi phí nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với SGK hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để tìm kiếm và giữ chân các tác giả giỏi. Thứ ba, về quy cách chất lượng sách, SGK mới có khổ lớn hơn khổ SGK hiện hành; SGK mới cũng phải tăng cường kênh hình, hình ảnh hoá nội dung nên đơn giá công in đã bị tăng lên 23% so với SGK hiện hành…

Tuy vậy, theo dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức chiết khấu bán SGK, sách bài tập hiện nay quá cao, ảnh hưởng lớn đến giá sách. Cụ thể, mức chiết khấu cho các đơn vị đầu mối NXB phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 đối với SGK là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, đối với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Thực tế cho thấy, không phải đến thời điểm này, vấn đề mức chiết khấu SGK cao mới được đặt ra. Trước đó, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước về giá SGK tại NXB Giáo dục Việt Nam ban hành vào cuối tháng 12/2022 cũng đã chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến việc giá SGK và mức chiết khấu SGK cao.

Cụ thể, NXB Giáo dục Việt Nam giao in gia công cho các nhà in là công ty con của NXB chưa tiết kiệm được chi phí in, dẫn đến tăng chi phí sản xuất SGK; định mức công in của NXB còn quy định đơn giá công in đối với một số nội dung công việc không hợp lý. Bên cạnh đó, kết luận chỉ ra việc phát hành SGK qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian nên chưa tiết kiệm được chi phí.

Giảm giá thành SGK bằng cách nào?

Báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cho thấy, theo văn bản kê khai giá của NNX Giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành cho SGK theo chương trình GDPT 2018 kê khai từ năm 2020 của NXB này như sau: 23% cho SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6; 22,5% cho SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 21% cho SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

“Mức chiết khấu như vậy có tác động đáng kể đến giá SGK”, báo cáo nhận định. Nêu giải pháp cho vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: “Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của SGK theo quy định để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá SGK. Đây là giải pháp quản lý giá SGK, giảm mức chiết khấu phát hành SGK”.

Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng: Mức chiết khấu phát hành sách từ lâu đã trở thành quy định bất thành văn trong hoạt động xuất bản nói chung. Tuy nhiên, với mặt hàng đặc thù, phổ biến như SGK, tất cả các gia đình có con đi học đều bắt buộc phải mua thì mức chiết khấu từ 21-25% như hiện tại là quá cao. Điều này làm cho giá SGK trên thực tế sẽ bị “đội” lên và phần hoa hồng phải chi trả cho công tác phát hành này cuối cùng người mua vẫn phải gánh.

“Theo tôi được biết, hiện nay SGK mới chủ yếu được phụ huynh đăng ký mua qua kênh nhà trường do mỗi nhà trường lựa chọn các bộ sách khác nhau hoặc lựa chọn các quyển sách khác nhau từ nhiều bộ sách nên phụ huynh khá khó khăn khi đi mua lẻ ở các nhà sách. Do vậy, giảm bớt các khâu trung gian trong việc phát hành SGK để tiết giảm bớt chi phí là điều mà các NXB có thể làm được”- TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Ông cũng đồng thời cho rằng, việc Nhà nước áp giá trần, khống chế mức giá trần sẽ buộc hệ thống xuất bản, phát hành phải tiết kiệm, tiết giảm tối đa chi phí, giảm bớt các khâu trung gian không thực sự cần thiết… Từ đó, mặt bằng giá SGK có thể được giảm xuống, phù hợp hơn với thu nhập chung của đại bộ phận người dân.

Còn theo PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, yếu tố tạo nên giá SGK hiện nay gồm 3 phần: Chi phí cho việc biên tập, viết sách; chi phí in ấn và chi phí phát hành. Trên cơ sở đó, có thể tính toán được giá thành sản phẩm. Sau khi tính giá thành, xem hoạt động doanh nghiệp phải chịu thuế không, loại thuế nào, lợi nhuận bao nhiêu, từ đó mới tính được giá bán. Tuy vậy, theo các NXB, nguồn vốn biên soạn SGK theo chương trình mới không còn được Nhà nước cấp vốn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá SGK mới cao hơn SGK cũ.

Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, nếu xét trên yếu tố vì lợi ích của người học, rõ ràng, học sinh phổ thông là đối tượng cần được bảo trợ. Khi đại bộ phận người dân vẫn chưa có thu nhập cao, người dân ở khu vực nông thôn, miền núi còn rất khó khăn, việc tăng giá SGK gấp 2 – 3 lần như hiện nay thực sự là gánh nặng với họ. Do đó, SGK là mặt hàng mà Nhà nước đặc biệt phải quan tâm.

Riêng khâu biên soạn SGK, Nhà nước nên dùng ngân sách để thu hút, trả chi phí đãi ngộ xứng đáng cho người có tài năng và kinh nghiệm để họ tham gia biên soạn SGK. Khâu này nếu có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, chúng ta vừa có đội ngũ chuyên gia tốt nhất để viết SGK, người dân vừa không phải mua SGK với chi phí quá cao như hiện nay.

Huyền Thanh/Báo CAND

Facebook Comments