Nga tố Mỹ chủ mưu vụ ám sát Tổng thống Putin

share on:

Nga cáo buộc Mỹ chủ mưu vụ dùng máy bay không người lái (drone) tấn công Điệm Kremlin để ám sát Tổng thống Putin nhưng không nêu ra chứng cứ.

Tổng thống Putin được cho là không ở Điện Kremlin lúc cuộc tấn công xảy ra vào đêm 2-5 – Ảnh: REUTERS

Mỹ âm mưu ám sát Tổng thống Putin

Một ngày sau khi cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tấn công bằng 2 drone nhằm ám sát Tổng thống Putin, Điện Kremlin chuyển cáo buộc sang Mỹ chủ mưu vụ việc, nhưng không cung cấp bằng chứng cho cáo buộc này.

“Quyết định liên quan đến các cuộc tấn công như vậy không phải từ Kiev, mà là ở Washington”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh. “Kiev chỉ làm những gì họ được bảo phải làm”.

“Washington nên hiểu rõ rằng chúng tôi biết điều này”, ông Peskov nói thêm.

Cũng theo ông Peskov, Tổng thống Putin vẫn làm việc tại văn phòng của ông ở Điệm Kremlin như bình thường trong ngày 4-5.

Tuy nhiên, Matxcơva đã thắt chặt an ninh sau vụ tấn công xảy ra vào đêm 2-5, trước thềm cuộc duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít ngày 9-5.

Đầu ngày 3-5, phía Ukraine đã phủ nhận liên quan đến vụ tấn công.

“Ukraine không tấn công ông Putin hay Điện Kremlin. Chúng tôi chỉ chiến đấu trên đất của mình”, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh.

Ngoài ra, Nga ghi nhận một loạt các cuộc tấn công bằng drone vào các cơ sở dầu mỏ và cáo buộc Ukraine thực hiện những hoạt động này.

Theo Hãng tin Reuters, Nga đang tăng cường các cáo buộc Mỹ tham gia trực tiếp vào xung đột Ukraine.

Washington phủ nhận cáo buộc, nói rằng họ trang bị vũ khí cho Ukraine để tự vệ.

Leo thang bất ngờ

Tuy nhiên, cáo buộc của ông Peskov rằng Mỹ đứng sau âm mưu ám sát ông Putin đã đi xa hơn các cáo buộc trước đây của Điện Kremlin.

Ông Putin được cho là không có mặt ở Điện Kremlin vào thời điểm vụ tấn công xảy ra. Các nhà phân tích an ninh tỏ ra hoài nghi giả thuyết vụ tấn công là một nỗ lực ám sát.

Nhưng Nga nói rằng họ có quyền trả đũa và những người theo đường lối cứng rắn, bao gồm việc cựu Tổng thống Dmitry Medvedev đã lên tiếng cho rằng nên “loại bỏ” Tổng thống Ukraine Zelensky.

Ông Dmitry Peskov nói Nga có nhiều lựa chọn và sẽ cân nhắc cẩn thận cho phản ứng sắp tới, nhưng ông từ chối cho biết Nga có coi ông Zelensky là mục tiêu hay không.

Cũng trong ngày 4-5, Điện Kremlin cho biết họ biết rằng Giáo hoàng Francis suy nghĩ về cách thức chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng họ không nắm bất kỳ kế hoạch hòa bình cụ thể nào từ Vatican.

Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2-2022, Đức Giáo hoàng đã đề nghị đóng vai trò trung gian giữa Nga và Ukraine, đồng thời liên tục kêu gọi hòa bình.

Trước đó, ngày 30-4, Giáo hoàng Francis tiết lộ tòa thánh đang tham gia vào một sứ mệnh hòa bình bí mật cho Ukraine và sẵn sàng giúp hồi hương trẻ em Ukraine đang ở Nga, nhưng sứ mệnh này “chưa được công bố”.

“Chúng tôi biết rằng Giáo hoàng luôn nghĩ về hòa bình, và chúng tôi cũng biết Giáo hoàng đang suy nghĩ về cách chấm dứt cuộc xung đột này”, ông Peskov nói. “Nhưng chúng tôi không biết bất kỳ kế hoạch chi tiết nào do Vatican đề xuất trong bối cảnh hiện nay”.

Theo Báo Tuổi trẻ

Facebook Comments