Ngày lễ Độc lập 2/9/1945 trong mắt một nhân chứng người Mỹ đặc biệt

share on:

Archimedes L.A.Patti là một trong số ít người Mỹ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự lễ tuyên bố độc lập tại Ba Đình 76 năm trước. Ngày lễ Độc lập với những ấn tượng sâu đậm được nhân chứng này ghi lại…

Thiếu tá Archimedes L.A Patti – Trưởng ban Đông Dương của OSS (Cơ quan Phục vụ Chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA), Trưởng phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ, vinh dự là người nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến nghe bản dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập trước ngày lễ Độc lập và trao đổi về một số chủ trương, kế hoạch tương lai của Việt Nam. Trong đó có việc tổ chức ngày Lễ tuyên bố Độc lập của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.

Không những vậy, L.A.Patti là một trong số ít người nước ngoài được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự lễ công bố Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trong buổi lễ trang trọng, thiêng liêng nhất của quốc gia, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”.

Trong cuốn sách “Tại sao Việt Nam – Khúc dạo đầu của chim hải âu Mỹ” (Why Viet Nam? – Prelude to America’s Albatross) (University of California Press xuất bản năm 1980, NXB Đà Nẵng in năm 2008 theo bản dịch của Lê Trọng Nghĩa), Archimedes L.A.Patti đã tái hiện tỉ mỉ và sinh động về lễ tuyên bố độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; về không khí Hà Nội trong ngày 2/9/1945 lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945.

“Ông Hồ Chí Minh bí ẩn là ai?”

Chương 26 – “Ngày lễ độc lập”, L.A.Patti viết: ngày lễ Độc lập được tổ chức đúng ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng Chín, ngày lễ các Thánh của hơn một triệu dân theo Thiên chúa giáo ở Bắc Việt Nam. Tại các nhà thờ Thiên chúa giáo, cũng như các chùa Phật giáo, buổi lễ được tiến hành long trọng. Các bài thuyết pháp có thêm những ý ủng hộ Chính phủ mới thành lập và nền độc lập của Việt Nam.

Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội, từng đoàn lớn nhỏ lũ lượt dần dần kéo đến quảng trường Ba Đình. Trong biển người, có cả những nhóm đồng bào miền núi với y phục địa phương đặc trưng và những nhóm nông dân với khăn áo truyền thống. Lực lượng công nhân thì sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng hoặc xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hay màu sáng, tay khoác nón.

Khắp phố phường Hà Nội khi đó, theo miêu tả của tác giả, tràn đầy khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích, bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh: “Việt Nam của người Việt Nam”, “Hoanh nghênh Đồng Minh”, “Thà chết, không nô lệ”…

Là người được mời dự lễ tuyên bố độc lập tại khu vực lễ đài dành cho quan khách nhưng ông Archimedes L.A.Patti xin được tự đi xem buổi lễ như một “người quan sát trong quần chúng”.

“Mặt trời đã lên cao. Không khí oi bức. Nhưng đôi lúc cũng có cơn gió nhẹ thổi làm phất phới cả biển cờ trên quảng trường. Cao trên cột trước lễ đài, lá cờ đỏ với ngôi sao vàng lớn phấp phới bay” – người Mỹ đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự lễ tuyên bố độc lập hồi tưởng.

Theo quan sát của ông, trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cà vạt và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn mặc áo kaki màu sẫm. Đó là Hồ Chí Minh.

Tác giả cuốn sách “Tại sao Việt Nam? – Khúc dạo đầu của chim hải âu Mỹ” cho rằng, quần chúng dành nhiều quan tâm đến vị lãnh đạo mới của Chính phủ. Mọi người đều muốn biết “ông Hồ Chí Minh bí ẩn” là ai, ông ở đâu về?

Ông L.A.Patti tiết lộ, cái tên “Hồ Chí Minh”, ngay cả đến cơ quan Bộ Ngoại giao Mỹ ở Côn Minh và Trùng Khánh (Trung Quốc) cũng không biết gì, cho tới một tháng trước lễ tuyên bố độc lập của Hà Nội. Và khi đó, “ai cũng nghĩ rằng đã biết tên thật của cụ Hồ”.

Trên lễ đài tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, tác giả người Mỹ cho biết, tiếng loa phóng thanh giới thiệu cụ Hồ là “người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc”. Quần chúng bắt đầu cùng hát và trong mấy phút liền, cùng hô vang “Độc lập”.

“Ông Hồ ngồi yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân” – L.A.Patti viết và tả lại, cụ Hồ giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

“Giọng nói bình tĩnh, ấm cúng, thân mật… thấu tới quần chúng”

“Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

“Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ!”. Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe lấy từng lời” – người Mỹ chứng kiến thời khắc thiêng liêng của người dân Việt Nam nhận xét.

Dù không hiểu thật sự rõ ràng toàn bộ lời Hồ Chủ tịch nói trên lễ đài ngày hôm đó nhưng L.A.Patti nhận định, cứ nghe giọng nói bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng.

Tác giả thuật lại, sau khi dừng lại hỏi người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nội dung bản Tuyên ngôn độc lập: “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Sau đó, vị lãnh tụ cách mạng của Việt Nam quay trở về bản Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp năm 1971, nói về quyền con người và quyền công dân. Hồ Chủ tịch nhấn mạnh bản tuyên ngôn nhân quyền của Pháp đã công bố “con người sinh ra phải được tự do và có quyền bình đẳng. Đó là những chân lý không thể chối cãi được”.

Đến khoảng hai giờ, cụ Hồ kết thúc bản Tuyên ngôn. Tiếp sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về vai trò của Việt Minh, nhấn mạnh vào công tác của Đảng trong lĩnh vực chính trị – quân sự, phát triển kinh tế xã hội, chương trình giáo dục và văn hóa. Trong các vấn đề đối ngoại, ông Giáp vạch ra rằng Mỹ và Trung Quốc là những đồng minh đặc biệt và liên tục ủng hộ đấu tranh giành độc lập của Việt Nam…

Sau bài diễn văn, các Bộ trưởng mới được chỉ định, từng người một được giới thiệu ra mắt nhân dân. Buổi lễ kết thúc bằng việc các Bộ trưởng tuyên bố nguyện trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ Dân chủ Lâm thời Việt Nam.

Phần sau của chương sách, Archimedes L.A.Patti đề cập tới sự kiện cuộc biểu tình khổng lồ của nhân dân Ngày Độc lập do những người lãnh đạo ở Sài Gòn tổ chức để hưởng ứng, thể hiện sự đoàn kết với Hà Nội nhưng cuộc biểu tình hòa bình đã bị lợi dụng. Khoảng hai trăm nghìn người trong số quần chúng được các đảng phái chính trị tập hợp thành “liên minh miền Nam”, ùa xuống phố Catinat, trương lên những biểu ngữ, bích trương đầy tính chất tranh giành chia rẽ đảng phái. Sự kiện như một chỉ dấu cho việc Pháp “nhảy vào” Việt Nam và người dân Việt Nam phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm để chống Pháp…

Cuốn sách “Tại sao Việt Nam – Khúc dạo đầu của chim hải âu Mỹ” của ông Archimedes L.A Patti.

Ngày 22/8/1945, Thiếu tá Archimedes L.A Patti – Trưởng ban Đông Dương của OSS (Cơ quan Phục vụ Chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA), Trưởng phái bộ tiền trạm của quân đội Mỹ có mặt tại Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật tại Bắc Đông Dương.Trong thời gian ở Hà Nội, Patti đã có những hành động thiết thực để thể hiện cảm tình của mình: Nhận chuyển giúp một số thư, điện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Mỹ, đứng ra làm trung gian cho các cuộc tiếp xúc Việt – Pháp đầu tiên vào tháng 9-1945 và viết những bản báo cáo trung thực, khách quan về tình hình Việt Nam gửi lên cấp trên của mình.
Chính vì vậy, Patti đã giành được sự thân thiện và tình cảm đặc biệt của những nhà cách mạng Việt Nam, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù vô cùng bận rộn, nhưng Người đã dành nhiều thời gian để trao đổi, tâm sự với Patti và thực sự coi ông như một người bạn.

(Theo Hanoimoi.com)

Thái Anh/Dantri (ghi)

Facebook Comments