Hãng tin Bloomberg mới đây đã đăng tải một bài viết về khát vọng đưa Tập đoàn Vingroup và Việt Nam vươn tầm thế giới của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo thông tin đăng tải từ Bloomberg, Đại dịch COVID-19 đã gần như “lảng tránh” Việt Nam, khi quốc gia này chỉ ghi nhận 332 ca nhiễm và không có ca tử vong nào. Thế nhưng, từ trụ sở rộng lớn của mình tại Hà Nội, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã phóng tầm mắt vượt ra ngoài những đường biên giới. Tháng 4 vừa qua, người đàn ông giàu nhất Việt Nam đã tiến hành khảo sát đối với tập đoàn đa ngành của mình, trước khi đưa ra một quyết định quan trọng: đầu tư vào sản xuất máy thở.
Trong những ca nhiễm COVID-19 nghiêm trọng nhất, virus sẽ tấn công vào phổi, khiến cho việc đưa oxy vào máu trở nên cực kỳ khó khăn. Khi đó, việc có một chiếc máy thở sẽ là ranh giới phân định giữa sự sống và cái chết. Thế nhưng, số lượng máy thở là không đủ, bởi theo một ước tính, các bệnh viện trên thế giới cần sử dụng tới 800.000 máy.
Sự thiếu hụt nghiêm trọng nhất diễn ra ở các nước đang phát triển, ví dụ như Nam Sudan chỉ có 4 máy thở cho tổng dân số 12 triệu người.
Ngay cả các quốc gia giàu có nhất cũng lâm vào cảnh thiếu hụt máy thở trầm trọng. Sau khi nhận được các báo cáo một số bệnh viện tại New York – nơi dịch bệnh diễn biến rất nghiêm trọng, đã phải sử dụng một máy thở để chữa trị cho hai bệnh nhân cùng một lúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc các nhà sản xuất ô tô và các công ty Mỹ khác phải chuyển sang sản xuất thiết bị này. Hôm 13/7, Ford Motor và General Electric đã hợp tác để cung cấp 50.000 máy thở theo một hợp đồng trị giá 336 triệu USD với chính phủ Mỹ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Nguồn: Bloomberg)
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tin rằng, tập đoàn của ông – Vingroup có thể làm điều đó không chỉ trong thời gian ngắn hơn mà còn với mức chi phí thấp hơn. Sử dụng một thiết kế nguồn mở từ nhà sản xuất thiết bị Medtronic Plc, Vingroup đã hoàn thành bản mẫu và bắt đầu thủ tục xin giấy phép từ giữa tháng Tư.
Máy thở của Vingroup có mức giá khoảng 7.000 USD tại Việt Nam, rẻ hơn 30% so với thiết bị của Medtronic. Vingroup cũng cho biết, có thể sản xuất tới 55.000 chiếc/tháng ngay khi được cấp phép, và có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm này tới bất kỳ nơi nào có nhu cầu. Vingroup cũng cho biết sẽ ủng hộ vài nghìn máy thở cho Ukraine và Nga – những nơi tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng có thời gian dài gắn bó.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi tại trụ sở của Vingroup ở Hà Nội và thông qua thư điện tử, doanh nhân 51 tuổi đã chia sẻ kế hoạch của ông trong một vài tháng tới. “Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc sản xuất nhiều máy thở và cố gắng thực hiện thật tốt. Chúng tôi muốn phối hợp với chính phủ Việt Nam để giải quyết một phần vấn đề đại dịch”.
Mặc dù Vingroup có điều hành một số bệnh viện và phòng khám tại Việt Nam, nhưng việc trở thành một nhà sản xuất thiết bị y tế chưa hề nằm trong kế hoạch phát triển của tập đoàn này. Tuy nhiên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng luôn được biết đến với tham vọng nâng cao vị thế đất nước của mình. Khi chính phủ Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp nội địa cố gắng phát triển những sản phẩm tinh vi hơn, Vingroup là một trong những cái tên đi đầu bằng việc sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.
Các kỹ thuật viên sản xuất máy thở tại nhà máy Vinsmart (Nguồn Bloomberg)
Giờ đây, khi chính phủ Việt Nam ủng hộ cho các quốc gia đang phải chống chịu với đại dịch COVID-19 trên khắp thế giới những chiếc khẩu trang “made in Vietnam”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thậm chí đang biến những chiếc máy thở trở thành một phần của chiến dịch toàn cầu đầy tham vọng: bán ô tô Việt Nam ra khắp thế giới. Tháng 12 năm ngoái, ông thông báo rằng, Vinfast – nhà sản xuất ô tô thuộc tập đoàn Vingroup, sẽ phát triển một mẫu xe điện và hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào năm 2021. Vị doanh nhân giàu nhất Việt Nam khẳng định, sẵn sàng chi 2 tỷ USD từ tài sản của mình để hiện thực hóa tham vọng này.
Việc người Mỹ có thể đón nhận một chiếc xe Việt Nam hay không, vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Tuy nhiên, máy thở lại là một sản phẩm mà thế giới – vốn đang khốn đốn vì đại dịch, khó có thể nói lời từ chối. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ: “Bài học mà chúng tôi có được từ một cuộc khủng hoảng là luôn luôn có rất nhiều cơ hội. Điều quan trọng là chúng tôi phải đưa ra lựa chọn đúng đắn và hành động thật nhanh”.
Trong suốt 2 thập kỷ qua, VIệt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Thu nhập trung bình hàng năm đã tăng hơn sáu lần, và thậm chí trước thời điểm xảy ra đại dịch, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có thể xây dựng một công ty đủ nhanh để bắt kịp với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Ngày nay, hệ sinh thái của tập đoàn Vingroup bao trùm hàng chục lĩnh vực kinh doanh đáp ứng đủ mọi nhu cầu của người Việt Nam từ khi còn là trẻ nhỏ cho đến khi về già.
Một em bé có thể được sinh ra trong một bệnh viện Vinmec, lớn lên ở một căn nhà Vinhome, theo học tại một ngôi trường Vinschool, và học lên cao hơn tại đại học VinUniversity. Một gia đình có thể lái một chiếc xe VinFast, chạy xuyên qua các khu đô thị được Vingroup thiết kế, thẳng tiến tới các khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người có thể nói chuyện trên điện thoại Vsmart và mua sắm sản phẩm của các thương hiệu quốc tế tại trung tâm thương mại Vincom.
Đối với Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup là một minh chứng cho sự phát triển của đất nước từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ đã hoan nghênh sự phát triển và thành công của Vingroup, coi đây là một phần của công cuộc hiện đại hóa đất nước. Khi chiếc xe đầu tiên của VinFast rời khỏi dây chuyền lắp ráp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố “Đây là một ngày tuyệt vời đối với Việt Nam”.
Điều mà Việt Nam cũng như tỷ phú Phạm Nhật Vượng luôn khao khát, là sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Ông Phạm Nhật Vượng thừa nhận, nhiều người Mỹ vẫn coi Việt Nam “là một quốc gia nghèo, lạc hậu, nơi không thể sản xuất ra bất kỳ sản phẩm công nghệ cao và hiện đại nào”. Do đó, việc giới thiệu thành công một sản phẩm của Vingroup – dù là xe ô tô hay máy thở, ra phạm vi toàn cầu, cũng có thể thay đổi cách nhìn của thế giới đối với Việt Nam.
Ông Vượng cho biết “Chúng tôi muốn công ty giải quyết những vấn đề mà mọi người nghĩ là tương đối khó khăn, những điều mà các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam chưa thể thực hiện thành công. Đó là sứ mệnh và trách nhiệm của chúng tôi trong việc phát triển một thương hiệu Việt Nam vươn đến tầm thế giới”.
Những chiếc máy thở có thể là một màn ra mắt mang tính chiến lược đối với thị trường toàn cầu. Vấn đề thiếu hụt máy thở trên toàn cầu sẽ được giải quyết nếu Vingroup có thể tiến hành sản xuất ở quy mô mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự tính, kết hợp với thương hiệu của Medtronic – nhà sản xuất thiết bị y tế đầy uy tín. Nếu các máy thở hoạt động một cách hữu hiệu, Vingroup sẽ có thể chứng minh được khả năng của mình trong việc cung cấp một thiết bị y tế phức tạp, đáng tin cậy – một lợi ích không hề nhỏ đối với một nhà sản xuất ô tô đầy tham vọng.
Công ty đã thiết lập dây chuyền lắp ráp máy thở đầu tiên trong vòng chưa đầy một tháng, tùy chỉnh ba hàng băng chuyền trong nhà máy điện thoại thông minh 7 tháng tuổi của mình. Các kỹ sư của công ty ô tô VinFast đã đảm nhiệm phần thiết kế, trong khi đại diện của Medtronic tư vấn đào tạo cho các công nhân VinSmart – những người mà chỉ cách đấy vài tuần vẫn còn đang chế tạo điện thoại thông minh và TV.
Ông Mark Mobius – nhà sáng lập Mobius Capital Partners LLP – người đã đầu tư vào Việt Nam trong suốt một thập kỷ qua và có nhiều khoản đầu tư cổ phần tư nhân tại đây nhận định “Có rất ít công ty trên thế giới giống như vậy. Khát vọng của Vingroup thật đáng kinh ngạc. Đó sẽ là một chiến thắng rất lớn, để biến Việt Nam thành một ‘người chơi’ toàn cầu”.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, kế hoạch mở rộng ra toàn cầu của ông đang được thúc đẩy. Vingroup được cho là đang tuyển dụng vài trăm kỹ sư để mở trung tâm nghiên cứu và thiết kế tại Australia, nơi sẽ phát triển các mẫu ô tô và xe điện tiếp theo của VinFast. Công ty cũng được cho là đang quan tâm đến việc mua lại một số tài sản của nhà sản xuất ô tô Australia sắp ngừng hoạt động – Holden.
“Ông ấy dường như đang có những thay đổi khi các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện cũng đang đổi hướng”, ông Michael Dunne, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn ô tô ZoZo Go, tập trung vào thị trường châu Á cho hay. “Ông ấy có khát vọng rất lớn, nhưng những khát vọng ấy đã được chứng minh qua thực tế”.
Theo ông Dunne, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tạo được tiếng vang lớn giống như một người khác trong ngành công nghiệp ô tô, “Đó là Li Shu Fu, người đứng đầu nhà sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc Geely Cars Holdings Ltd. Nổi tiếng với việc mua lại Volvo từ Ford năm 2010, ông Li đã trở thành thế lực thống trị thị trường xe hơi Trung Quốc. Và giống như ông Vượng, ông ấy đã tuyên bố khát vọng của mình ở Mỹ. Năm 2006, Li Shu Fu tuyên bố kế hoạch cho Geely xuất khẩu ô tô sang Mỹ. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ sau, không chỉ Geely mà bất kỳ thương hiệu xe hơi Trung Quốc nào khác cũng đều đang gặp khó khăn trong việc này.”
Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng (Nguồn: Bloomberg)
Ông Phạm Nhật Vượng đã lãnh đạo doanh nghiệp của mình vượt qua giai đoạn khó khăn trước đây. Năm 2011, khi tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam tăng vọt lên mức cao trong khu vực là 23% và thị trường bất động sản chững lại, công ty bất động sản Vincom vẫn ra mắt quy hoạch tổng thể dự án bất động sản đầu tiên – Vinhomes Riverside, nơi có các biệt thự sang trọng dọc theo kênh đào nhân tạo. Doanh thu ròng hợp nhất của công ty đã giảm 64% trong năm đó. Vingroup đã được sinh ra vào thời điểm này nhờ sự sáp nhập của công ty bất động sản Vincom với công ty du lịch Vinpearl.
Việc sáp nhập đã mang lại hiệu quả, khi doanh thu thuần đạt mức cao kỷ lục vào năm 2012, còn lợi nhuận cũng tăng trở lại. Kể từ đó, doanh thu đã tăng gấp 17 lần, chạm mức 130,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,6 tỷ USD) trong năm 2019. Hồi năm ngoái, công ty đã tái cấu trúc, từ bỏ các kế hoạch ban đầu về việc thành lập một hãng hàng không và bán lại hầu hết các cửa hàng tiện lợi, cũng như mảng kinh doanh nông nghiệp.
“Các lĩnh vực kinh doanh mà Tập đoàn đang tiếp tục điều hành là những lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất. Chúng tôi sẽ không thay đổi chiến lược kinh doanh của mình” – ông Phạm Nhật Vượng khẳng định. “Nếu cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên nghiêm trọng, chúng tôi có thể điều chỉnh một số kế hoạch ngắn hạn”.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có sự tự tin của một người hiểu biết rất sâu rộng về việc nắm bắt và định hình mong muốn của người tiêu dùng. Thành công sớm nhất của ông đến từ việc bán mì ăn liền Việt Nam tại Ukraine. Để thuyết phục phần đông dân số vốn đã quen thuộc với món súp củ dền và bánh bao truyền thống Ukraine, chuyển sang yêu thích món “mì chỉ cần cho thêm nước sôi”, ông đã đến các trung tâm thương mại, tổ chức các buổi trình diễn nấu ăn và tặng hàng trăm gói mì ăn liền miễn phí.
“Và cuối cùng, chúng tôi đã thuyết phục được người tiêu dùng Ukraine” – ông Vượng nói. Mì ăn liền đã trở thành một mặt hàng quan trọng hàng đầu trong các gia đình tại quốc gia Đông Âu này, thậm chí thuyết phục được Nestle SA bỏ ra số tiền vào khoảng 150 triệu USD để mua lại mảng kinh doanh này.
Năm 2000, ông Phạm Nhật Vượng trở về Việt Nam với tiền lãi từ việc bán mì và ngay lập tức nhận thấy những cơ hội. “Cơ sở hạ tầng đã quá lỗi thời so với thế giới. Hà Nội chỉ có một vài tòa nhà cao tầng và khách sạn năm sao”, ông nói. “Tôi đã có tiền. Nếu tôi đầu tư và không thể sinh lời, thì ít nhất thành phố cũng sẽ có những tòa nhà lớn, đẹp đẽ”.
Trong vòng ba năm, ông đã mở khách sạn cao cấp đầu tiên của Việt Nam – Vinpearl Resort & Spa trên đảo Hòn Tre, được kết nối bằng một tuyến cáp vượt biển dài 3,2 km đến thành phố biển Nha Trang. Vinpearl Nha Trang thời điểm đó đã có công viên nước đầu tiên tại Việt Nam và một sân golf 18 lỗ.
Ông Phạm Nhật Vượng cũng thành lập công ty bất động sản – sau đó sáp nhập để trở thành Vingroup – và bắt đầu xây dựng các khu chung cư hiện đại với siêu thị, trường học và trung tâm thương mại. Năm ngoái, lĩnh vực bất động sản nhà ở của Vingroup đã bán được 10.000 căn hộ trong vòng 17 ngày tại Vinhomes Grand Park, một dự án bất động sản ven sông nằm ở khu trung tâm thương mại của TP.HCM. Các dự án bất động sản phát triển bao quanh Landmark 81, tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam, cũng thuộc sở hữu của Vingroup.
Ông Vượng tuyên bố kế hoạch sản xuất và kinh doanh ô tô vào tháng 9/2017. Chín tháng sau, ông cũng đã công bố kế hoạch cho VinSmart – một công ty sản xuất thiết bị điện tử thông minh. Một khát vọng lớn và tốc độ thực hiện luôn khiến các nhà quan sát và thậm chí ngay cả các đối tác cũng phải choáng váng.
“Nếu bạn làm việc với họ, thì phải làm theo cách của riêng họ” – ông Stephen Wyatt, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Jones Lang LaSalle Inc., người đã tham gia định giá cho Vinhomes trước đợt chào bán công khai hồi năm 2018 chia sẻ. “Cần phải thực hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn, bất kể vấn đề đó là gì và phạm vi tới đâu. Tôi đã nhận được các cuộc gọi vào giữa đêm từ họ mỗi khi họ cần kết quả báo cáo hoặc nếu có gì đó chưa hoàn thành.”
VinFast đã giới thiệu 3 mẫu xe ô tô mới, sử dụng động cơ đốt trong vào năm ngoái và nhanh chóng nhận được hơn 17.000 đơn đặt hàng. Hãng cũng có kế hoạch ra mắt chiếc xe ô tô điện đầu tiên của mình, một chiếc SUV crossover tại Triển lãm ô tô Los Angeles (Mỹ) vào tháng Mười Một tới. Bộ pin xe điện mà Vinfast hợp tác phát triển cùng với LG Chem, có thể mang lại cho mẫu xe mới phạm vi di chuyển lên tới 500 km sau một lần sạc, ít hơn khoảng 15% so với chiếc Model S của Tesla. Trong khi đó, truyền thông Việt Nam, đã phát hiện ra một nguyên mẫu xe điện VinFast khác, một chiếc coupe hai cửa chạy trên đường phố Hà Nội. Công ty cho biết, họ có kế hoạch thử nghiệm xe rộng rãi vào mùa đông này trước khi bắt đầu ra mắt thị trường vào mùa hè sang năm.
“Kế hoạch xuất khẩu xe điện sang Mỹ vào năm 2021 hoặc 2022 của Vingroup là không hề dễ dàng” – ông Dunne cho biết. Thông thường, việc đạt được các chứng nhận về an toàn, môi trường và sự chấp thuận của giới chức Mỹ sẽ mất ít nhất hai đến ba năm và không rõ liệu Vingroup đã bắt đầu quá trình này hay chưa. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ từ chối đưa ra thông tin về việc công ty đã nộp bất kỳ giấy tờ cần thiết nào.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều câu hỏi với lời giải đáp cực kỳ tốn kém. Tesla Inc., công ty dẫn đầu nhóm các nhà sản xuất ô tô điện của Mỹ, vẫn chưa tạo ra lợi nhuận ròng hàng năm. Một loạt các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện của Trung Quốc “cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự” – ông Dunne cho biết thêm. “Đó không đơn thuần chỉ là việc bạn bước chân vào thị trường Mỹ, mà còn cần phải làm điều đó một cách nhanh chóng nữa”.
Ông Phạm Nhật Vượng không phủ nhận những rủi ro này khi cho biết “bất kỳ công ty nào cũng có thể sụp đổ”. Ông nói rằng Vingroup đã thực hiện các kịch bản dự phòng trong trường hợp thị trường bất động sản đình trệ như hồi năm 2009 và tiếp tục lên kế hoạch cho việc thoái vốn trong toàn tập đoàn. Cho đến nay, thị trường bất động sản vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, Vingroup hiện cũng đang phát triển các khu bất động sản công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất muốn chuyển dịch nhà máy vào Việt Nam từ Trung Quốc.
Với những người nghi ngờ khát vọng ô tô điện của mình, ông Vượng chỉ ra rằng, VinFast đã biến một đầm lầy thành một nhà máy ô tô hiện đại, hoàn thành dây chuyền sản xuất robot hoàn toàn tự động, và bàn giao xe hơi cho người tiêu dùng chỉ trong vòng 21 tháng – một kỳ tích mà ít người nghĩ Vingroup có thể làm được cho đến khi dự án đã hoàn thành.
Công nhân đóng gói máy thở tại nhà máy Vinsmart (Nguồn: Bloomberg)
Hiện tại, nhà máy điện thoại của Vingroup sẽ tái triển khai một số thiết bị bán dẫn silicon, kim loại và nhựa để chế tạo máy thở. Vingroup cho biết, khoảng 70% nguyên liệu có nguồn gốc tại địa phương, và tập đoàn có thể tận dụng một chuỗi cung ứng sẵn có với quy mô rất lớn. Hiện, chỉ có 85 công nhân sản xuất 160 máy thở mỗi ngày trong khi công ty chờ đợi sự phê duyệt cuối cùng từ chính phủ để đẩy mạnh sản xuất.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, 2 mẫu máy thở của Vingroup đã đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu. Ông cho biết, Vingroup nên được cấp phép để sản xuất máy thở hàng loạt nếu vượt qua được các cuộc thử nghiệm lâm sàng trong tháng này.
Theo ông Phạm Nhật Vượng, mức giá hiện tại của máy thở thấp hơn chi phí sản xuất chúng, bởi “mục đích của việc sản xuất máy thở hoàn toàn là để đóng góp cho xã hội trong thời điểm quan trọng này”. Đây cũng chỉ là một hoạt động mang tính tạm thời, bởi Vingroup “không có kế hoạch mở rộng sang phân khúc này”.
Vị tỷ phú được biết đến là một người yêu nước cũng bày tỏ mong muốn rằng công ty của ông sẽ tiếp tục đóng góp thêm nhiều “điều đầu tiên” cho đất nước Việt Nam. “Tôi luôn nói với các đồng nghiệp của mình rằng: đừng để cuộc sống của bạn trôi qua một cách vô nghĩa. Đừng để đến cuối cuộc đời, bạn không có gì đáng nhớ để kể lại. Sẽ thật đau khổ khi thấy rằng cuộc sống của bạn đã không tạo ra thêm bất kỳ giá trị nào”.
Theo VTV