Chính sách “không khoan nhượng” đang gây chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ, thậm chí là cả trong Đảng Cộng hòa
“Mami!”, “Papá!” – tiếng những đứa trẻ gào khóc xé ruột.
Đó là bản thu âm tiếng gọi cha mẹ trong tuyệt vọng của những em bé di dân sau khi bị nhân viên cơ quan di trú Mỹ tách khỏi người thân.
Tình cảnh đau lòng
Được trang điều tra ProPublica công bố gần đây, bản thu âm dài khoảng 8 phút chứa đựng những âm thanh ám ảnh phản ánh nỗi đau đớn của nhiều gia đình đang bị chia cắt mỗi ngày tại biên giới Mỹ – Mexico vì chính sách “không khoan nhượng” với người nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
ProPublica cho biết bản thu âm này được thực hiện tuần trước trong một trung tâm giam giữ của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ. Trong đó là âm thanh của 10 đứa trẻ bị tách khỏi cha mẹ, bên cạnh tiếng của một số người lớn. Đây là một trong những chất liệu thực tế đang không ngừng được phơi bày những ngày qua, khắc họa tình cảnh đau lòng khó tưởng tượng với trẻ em dù cho giới chức chính phủ cấm các nhà báo chụp ảnh hay phỏng vấn trẻ em tại các trung tâm giữ trẻ nhập cư.
Cũng không kém phần nhức nhối, khoảnh khắc bé gái Honduras 2 tuổi gào khóc khi chứng kiến mẹ mình bị giới chức biên giới Mỹ khám xét – do nhiếp ảnh gia John Moore bấm máy tại Thung lũng Rio Grande, bang Texas – đang trở thành biểu tượng mạnh mẽ của sự phẫn nộ trước chính sách “không khoan nhượng”. Trải lòng về bức ảnh, nhiếp ảnh gia kỳ cựu từng đoạt giải Pulitzer chia sẻ bản thân cũng là một người cha, bấm máy một cảnh tượng đau đớn như vậy đối với ông không dễ dàng chút nào.
Một bi kịch như vậy là quá sức chịu đựng với trẻ em! Thế nhưng, rất tiếc những trường hợp trên chẳng phải cá biệt. Theo những con số chính thức mới nhất từ giới chức cơ quan di trú Mỹ, 2.342 đứa trẻ đã bị tách khỏi cha mẹ trong vòng chưa đầy 5 tuần kể từ ngày 5-5 liên quan tới cáo buộc vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ. Sau khi bị tách khỏi cha mẹ, những trẻ em nhập cư được đưa vào hệ thống tập trung và đối xử giống như trẻ em không có người bảo trợ. Theo trang Vox, nhiều ý kiến chỉ trích chính sách này là tàn nhẫn và thiếu đạo đức. Khi nghị sĩ Jeff Merkley đến thăm một trung tâm giam giữ ở TP McAllen, bang Texas, ông đã không khỏi sốc với hàng trăm trẻ em bị giữ trong những lồng sắt.
Một cơ sở giữ người nhập cư trái phép tại bang Texas – Mỹ Ảnh: CỤC HẢI QUAN VÀ BIÊN PHÒNG MỸ
Bé gái Mexico và mẹ đang đợi xin tị nạn chính trị ở Mỹ hôm 13-6 Ảnh: AP
Phản đối
Cảnh tượng được cho là thảm kịch này – theo lời Thống đốc bang New York Andrew Cuomo – đã và đang thổi bùng lên làn sóng phản đối sục sôi trên khắp nước Mỹ nhiều ngày qua, từ các nhóm nhân quyền, giới chức các bang cho đến cả đương kim và một số cựu đệ nhất phu nhân cùng một số thành viên trong Đảng Cộng hòa.
Tuyên bố không đồng hành với thảm họa này, ông Cuomo cùng thống đốc các bang Colorado, Maryland và Massachusetts hôm 19-6 thông báo không triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp tại khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico. Bang New York còn công bố kế hoạch khởi kiện chính quyền Tổng thống Trump về chính sách nhập cư “không khoan nhượng”.
Theo các chuyên gia, chính sách này đang gây chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ, thậm chí là trong Đảng Cộng hòa của ông Trump. Thượng nghị sĩ Susan Collins nhấn mạnh chính sách này nhằm gửi đi thông điệp cứng rắn tới những người nhập cư trái phép nhưng đồng thời gây tổn thương tới những đứa trẻ vô tội, đi ngược lại các giá trị của nước Mỹ. Các nghị sĩ Cộng hòa hôm 19-6 đã nhóm họp tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị, nhân đạo đang leo thang này nhưng không tìm được tiếng nói chung. Theo The New York Times, Thượng viện theo đuổi một kế hoạch, Hạ viện lại có kế hoạch khác trong khi Tổng thống Trump vẫn theo ý mình.
Trong bài phát biểu gay gắt trước một nhóm các quan chức doanh nghiệp trong sự kiện cùng ngày, ông chủ Nhà Trắng đổ lỗi cho Đảng Dân chủ kích động cuộc khủng hoảng này bằng cách ngăn chặn luật pháp để chống nhập cư bất hợp pháp. Đồng thời, ông tỏ ý coi nhẹ một trong những ý tưởng trung tâm phía sau nỗ lực của các thượng nghị sĩ đảng “nhà” nhằm chấm dứt ngay lập tức tình trạng chia tách gia đình nói trên. Bảo vệ đến cùng chính sách của mình, ông Trump tuyên bố: “Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng tại biên giới bằng cách cuối cùng là giao quyền cho các quan chức pháp lý và các nguồn lực để bắt giữ và trục xuất các gia đình di cư bất hợp pháp cùng nhau và đưa họ trở về quê nhà”.
Nguy cơ mãi mãi chia ly
“Nếu bọn trẻ không được ăn trong yên ổn, bà cũng không được!” – những người biểu tình hô to trong lúc Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen ăn tối tại một nhà hàng Mexico sang trọng ở Washington hôm 19-6.
Cuộc họp báo tại Nhà Trắng trước đó một ngày cũng chứng kiến cảnh tượng ít thấy. Trong lúc Bộ trưởng Nielsen trả lời câu hỏi của các phóng viên, đoạn ghi âm tiếng trẻ em khóc đòi cha mẹ tại một cơ sở của Lực lượng Hải quan và Biên phòng Mỹ vang lên. Giải thích về hành động của mình, nữ phóng viên tạp chí New York, cô Olivia Nuzzi, cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đã không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng và thành thật về chính sách tách trẻ em khỏi cha mẹ trong gia đình nhập cư bất hợp pháp ngay tại khu vực biên giới với Mexico.
Đoạn ghi âm trên – do trang web ProPublica công bố và được nhiều phương tiện truyền thông Mỹ đăng lại – không chỉ làm gia tăng áp lực lên Washington mà còn khiến dư luận lo ngại về những tổn hại tâm lý, sức khỏe mà những đứa trẻ nói trên phải gánh chịu. Theo đài BBC, nhiều bác sĩ và nhà khoa học cảnh báo về những tác động nghiêm trọng và không thể đảo ngược nếu chúng không nhanh chóng được đoàn tụ với cha mẹ.
Bà Colleen A. Kraft, Chủ tịch Học viện Nhi khoa Mỹ, gọi chính sách này là một dạng “ngược đãi trẻ em” ngay cả khi bà Nielsen nhấn mạnh những đứa trẻ nói trên được chăm sóc chu đáo. Giới chuyên gia nhấn mạnh việc bảo đảm bọn trẻ được an toàn và cho ăn uống đầy đủ không ngăn được những tác động tiêu cực lâu dài lên hệ miễn dịch, sự phát triển của não và thậm chí là sự hình thành tính cách của các em. Trong ngắn hạn, sự chia ly còn gây tổn thương và đau đớn cho cả người lớn và trẻ em.
Một số bi kịch đã xảy ra do chính sách “không khoan nhượng” đang được chính quyền ông Trump thực thi. Theo trang Independent, một người đàn ông Honduras đã tự sát trong xà lim ở bang Texas sau khi buộc phải xa vợ và đứa con trai 3 tuổi. Thê thảm không kém là nhiều gia đình có nguy cơ bị chia ly mãi mãi vì cha mẹ không thể tìm thấy con cái sau khi bị trục xuất. Ông John Sandweg, quyền Giám đốc Cục Di trú và Hải quan Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, cho biết từng chứng kiến một số trường hợp như thế ngay cả khi chính quyền ông Trump trấn an sự chia cắt chỉ kéo dài “5-10 ngày”.
Theo giải thích của ông Sandweg, quá trình trục xuất một người cha (hoặc mẹ) bị buộc tội nhập cư trái phép có thể diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, thẩm phán có thể mất vài năm để xem xét vụ việc liên quan việc cho tị nạn hoặc trục xuất đứa trẻ vì đây là trường hợp có mức độ ưu tiên thấp tại các tòa án. Vì thế, trong một số trường hợp, sự đoàn tụ trở nên xa vời, nhất là khi đứa trẻ được nhà chức trách địa phương bảo trợ và được một gia đình nhận làm con nuôi sau đó.
Hoàng Phương