Được mệnh danh là “mũi tiến công thứ 6” đầy uy lực, Phi đội Quyết thắng đã làm nên trận đánh có một không hai trong lịch sử Phòng không – Không quân Việt Nam: Sử dụng máy bay địch tấn công địch tại sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Phi đội Quyết thắng sau trận đánh trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang), chiều 28/4/1975. Ảnh: TL
Khóa học thần tốc
Trong căn nhà số 18, đường Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Đại tá Nguyễn Văn Lục – nguyên Trưởng phòng Quân huấn – Nhà trường, Quân chủng Phòng không – Không quân (PK – KQ) vẫn dành vị trí trang trọng cho những tấm hình ghi lại những thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời ông. Đó là lúc ông cùng các đồng đội trở về sau lần ném bom thành công sân bay Tân Sơn Nhất, đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của cả dân tộc sớm đi đến thắng lợi cuối cùng…
43 năm đã trôi qua song kỷ niệm về chuyến bay lịch sử ngày 28/4/1975 vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức của người lính già 72 tuổi. Lật giở từng trang kí ức, ông đưa chúng tôi trở về thời khắc hào hùng trong đại thắng mùa xuân 1975. Khi đó ông đang là Phi đội trưởng Phi đội 4 – Trung đoàn Không quân 923 – Sư đoàn 371 Quân chủng PK – KQ.
“Ngày 22/4/1975, phi đội chúng tôi được lệnh cơ động vào sân bay Đà Nẵng tiếp nhận máy bay A-37 thu được của địch, chuẩn bị cho một trận đánh lớn bằng chính loại máy bay này. Nhận nhiệm vụ, ngay sáng hôm sau, phi đội của chúng tôi tổ chức học lý thuyết, tìm hiểu tính năng, tác dụng của máy bay A37 và các trang thiết bị trên máy bay…”
Ông bảo, đây là khóa học thần tốc trong lịch sử Không quân Việt Nam bởi thời gian học lý thuyết chỉ có một ngày, còn thực hành trong 2,5 ngày với chỉ vỏn vẹn gần 3 giờ bay. Trong khi đó, theo giáo trình của Nga, quá trình học chuyển loại thường phải mất từ 3 – 6 tháng. Bởi vậy, đối phương cũng không hiểu được lý do vì sao bộ đội ta lại có thể lấy máy bay của chúng để đi đánh chúng.
Tuy nhiên, trong quá trình học ông cùng các đồng đội gặp phải không ít khó khăn. Thứ nhất, toàn bộ các thiết bị trên máy bay đều thuyết minh bằng tiếng Anh. Trong khi đó, ông và các đồng đội Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng đều không biết ngôn ngữ này.
Do vậy, ông đã phải nhờ Trần Văn On và Trần Văn Xanh (đây là phi công của chế độ cũ đã về với cách mạng) dịch các chữ đó ra tiếng Việt, sau đó viết ra giấy và dán đè lên phần chữ tiếng Anh. Thứ 2, trang thiết bị, những công tắc điều khiển, cầu chì… khác nhiều về vị trí, cách sử dụng.
Rồi khó học nhất là các trang thiết bị: hệ thống rađa, hệ thống máy ngắm để xạ kích, ném bom, hệ thống động cơ… Nhưng rồi, mọi khó khăn cũng được những người lính khắc phục một cách thần tốc.
12 giờ 30 phút ngày 27/4, tại sân bay Phù Cát, các thủ trưởng quân chủng không quân Lê Văn Tri, Trần Hanh, Phó Sư đoàn trưởng Sư không quân 371 Nguyễn Hồng Nhị đã quyết định sử dụng 5 máy bay A-37 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất.
Về lực lượng và vị trí chiến đấu gồm: phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đường, số 2 Từ Đễ, số 3 phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục, số 4 Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On, số 5 Hán Văn Quảng bay sau cùng quan sát bảo vệ phía sau phi đội.
Chỉ được thắng
Đại tá Nguyễn Văn Lục hào hứng giới thiệu về từng thành viên trong Phi đội Quyết thắng. Ảnh: K.O
Cũng tại buổi giao nhiệm vụ cho Phi đội, Tư lệnh quân chủng Lê Văn Tri đặt tên cho phi đội dùng A-37 tấn công sân bay Tân sơn Nhất ngày 28/4/1975 là “Phi đội Quyết Thắng”. “Cái tên “Phi đội quyết thắng” vừa là mệnh lệnh và cũng là mong mỏi của các cấp lãnh đạo. Trong trận chiến này, chúng tôi chỉ được thắng chứ không được thua” Đại tá Nguyễn Văn Lục chia sẻ về tên gọi Phi đội quyết thắng.
Vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng rời sân bay Phù Cát tiến về sân bay Thành Sơn chuẩn bị cho trận chiến quyết định. Tại đây, mọi mục tiêu, phương án tấn công đã được đề ra. Theo đó, mục tiêu mà Phi đội Quyết thắng phải hoàn thành là oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất.
Một yêu cầu lớn được đặt ra với Phi đội khi tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất là phải bảo đảm an toàn cho trại Đa-vít, cách đường băng khoảng 300 mét, nơi có phái đoàn quân sự của ta. Mọi công tác đã chuẩn bị xong, đến 14 giờ 30 phút, Tư lệnh Quân chủng hạ mệnh lệnh chiến đấu. 16 giờ 25 phút, phi đội được lệnh xuất kích.
Sau khi bay qua khu vực Hàm Tân, phi công nhìn rõ mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất, đã kéo máy bay lên độ cao theo kế hoạch, rồi từng máy bay bổ nhào về phía mục tiêu lúc 17h05. Khi quan sát thấy số 1 Nguyễn Thành Trung thả bom không ra, lập tức số 2- Từ Đễ lao xuống thả 4 quả trúng mục tiêu. Tiếp theo các số 3, số 4, số 5 bổ nhào vào cắt bom, từng loạt bom nổ, các cột lửa, khói bốc cao bao trùm sân bay Tân Sơn Nhất.
Lúc đó chỉ huy sân bay, Chuẩn tướng Ngụy Hoàng Anh Tuấn bị đánh bất ngờ đã vội vàng dùng máy vô tuyến gào thét: “A-37 của không đoàn nào?” phi công Từ Đễ đáp lại: “A-37 của Mỹ ném bom Ngụy đây!”. Sau khi ném bom đợt 2 xong, lúc 17h22’ phi đội thoát ly, quay về sân bay Thành Sơn theo tuần tự : Số 1 Hán Văn Quảng, số 2 Từ Đễ , số 3 Nguyễn Văn Lục, số 4 Hoàng Mai Vượng, số 5 Nguyễn Thành Trung.
“Bước ra khỏi máy bay, chúng tôi liền ôm lấy nhau mà hét toáng lên: “Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi!”. Thực sự đến bây giờ tôi vẫn không thể tin được với khóa học thần tốc ấy chúng tôi có thể chiến thắng trong trận đánh đó. Chúng ta chỉ có phương tiện ít ỏi nhưng lại có một cái đầu sắt, có một tinh thần đoàn kết, tinh thần quả cảm mà không đội quân nào có được” Đại tá cựu phi công Nguyễn Văn Lục tự hào kể.
Cả tuổi thanh xuân không dám yêu ai
Trong trận này, Phi đội Quyết thắng đã phá hủy 24 chiếc máy bay A-37, tiêu diệt và làm bị thương hơn ba trăm quân ngụy; sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hoàn toàn. Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh coi tiếng bom Tân Sơn Nhất như hiệu lệnh để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
43 năm đã trôi qua nhưng những niềm vui về chiến thắng vẫn hiện rõ trên nét mặt người lính già. Ông vẫn luôn tự hào khi được đứng trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam, được đứng trong đội ngũ PK – KQ.
Chia sẻ lý do đến với nghiệp phi công, ông bảo: “Hồi nhỏ, khi nhìn những chiếc máy bay bay lượn trên bầu trời tôi cảm thấy rất thích thú và mong muốn một ngày mình được ngồi và điều khiển chiếc máy bay ấy.
Năm 1965, khi ấy tôi đang là học viên lái tàu hỏa của trường Nghiệp vụ Đường sắt thì Không quân vào tuyển phi công tham gia chiến đấu. Tôi không ngần ngại nộp đơn đăng kí. Trong hơn 1000 học viên của trường, tôi may mắn là 1 trong 3 người trúng tuyển và được đi học đào tạo bay tại Trung Quốc, từ đó công việc bay cũng gắn bó với tôi tới tận khi về hưu”.
Kể từ đó đến nay, cũng đã hơn 50 năm ông gắn bó với nghiệp không quân. Quãng thời gian tham gia chiến đấu, không ít lần ông đã ghi danh trong lịch sử không quân Việt Nam khi 3 lần bắn rơi máy bay Mỹ tại chiến trường miền Bắc, tham gia vào nhiều trận chiến oanh liệt của KQND Việt Nam. Vào năm 2015, ông cùng các thành viên của Phi đội Quyết thắng vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, tham gia vào nghiệp không quân, một nơi vốn đòi hỏi tính kỉ luật và bí mật cao cũng khiến ông chẳng thể có nổi một cuộc tình suốt thời trai trẻ. “Ngay kể cả khi tôi đi học lái máy bay bên Trung Quốc suốt 3 năm trời gia đình cũng không biết, chỉ biết rằng tôi đi lính. Mãi sau này khi hòa bình lập lại, tôi về công tác tại một đơn vị không quân thì gia đình mới biết.
Thời trai trẻ tôi cũng có thầm thương trộm nhớ một cô bạn nhưng sau tôi cũng đành ngậm ngùi chia tay vì bí mật công việc. Phi công ngày xưa bị quản lý rất chặt”, Đại tá Nguyễn Văn Lục cho hay.
Mãi sau này, khi hòa bình lập lại ông mới có cơ hội đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Mối tình đó cũng nhờ vào sự mai mối. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông hối hận vào quyết định tham gia không quân. Bởi tham gia không quân, ông đã được sống trong những khoảnh khắc vẻ vang của dân tộc, được góp công sức bé nhỏ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Với ông đó là vinh quang một thời trai trẻ!
Kim Oanh/Báo Gia đình và xã hội