Sáng nay bạn có ra đường? Đừng đánh rơi mệnh lệnh từ trái tim: “Ở nhà là yêu nước”

share on:

Sau tuần đầu tiên nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội, sau 3 buổi sáng liên tiếp không có trường hợp mắc mới Covid-19 và những ca khỏi bệnh được công bố nhiều hơn, những ngày qua, tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch hiện diện ngày một rõ trên đường phố Hà Nội. Những dòng xe cộ dài thượt nối đuôi nhau, người dân ào ào đổ ra đường tập thể dục, nhiều hàng quán rục rịch hoạt động trở lại, bán hàng, đón khách… bất chấp yêu cầu không ra đường khi không có việc thiết yếu.

Sáng nay bạn có ra đường?

Hãy nhớ lại bước ngoặt từ ca bệnh số 17. Sự thiếu ý thức của một vài cá nhân trong khai báo y tế đã đưa cả nước bước vào “cuộc chiến thứ hai” với Covid-19, cam go và khốc liệt hơn rất nhiều so với khi dịch bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, và sẽ chưa có điểm kết thúc nếu những nỗ lực cách ly toàn xã hội bị phá vỡ.

Thôn Hạ Lôi, Bệnh viện Bạch Mai; hàng chục ổ dịch lớn nhỏ đang được khoanh vùng trên địa bàn thành phố và hàng chục nghìn người đang phải cách ly y tế vì các ca nhiễm bệnh.

Hãy nghĩ về những bác sĩ nơi tuyến đầu trong cuộc chiến này, ngày ngày vẫn chưa có một phút giây ngơi nghỉ vì sự sống của từng người bệnh; đôi mắt thâm quầng mệt mỏi và thiếu ngủ trên khuôn mặt hằn tím vệt khẩu trang, không biết đã bao lâu chưa được trở về nhà ăn một bữa cơm bình dị bên người thân.

Đội ngũ những người làm công tác hậu cần ở những nơi đang được khoanh vùng, cách ly, hằng ngày lo bảo đảm sinh hoạt cho hàng vạn con người bằng tất cả sức lực và sự cố gắng. Họ cũng đang thiếu những giấc ngủ bình yên, thiếu chỗ nghỉ ngơi tử tế, thiếu cả những bữa ăn đúng giờ và đủ chất.

Đã hơn 2 tháng chúng ta sống chung với Covid-19. Từng ca bệnh được thông báo rõ lịch trình, địa điểm và xác định những người liên quan từ F1, F2, F3, thậm chí cả F4, để mọi người biết và phòng tránh. Để có được những dòng thông báo ngắn ngủi ấy là công sức, mồ hôi, nước mắt của biết bao người, từ lực lượng y tế dự phòng, công an, chính quyền cơ sở đến tận thôn, xóm…

Nhưng sức người có hạn, nếu mỗi chúng ta không tự thực hiện tốt giãn cách xã hội, bỏ qua “thời gian vàng” kiềm chế dịch bệnh thì sẽ khó giữ được nhịp an toàn như hiện nay!

Sáng nay bạn có ra đường?

Hãy nghĩ về những cuộc họp khẩn cấp, những hành động nỗ lực đêm ngày của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương suốt những tháng qua để bảo đảm duy trì hiệu quả các biện pháp chống dịch song song với phát triển kinh tế cho đất nước. Hơn ai hết, họ mong dịch sớm đi qua để người dân lại được ra đường, cuộc sống bình thường trở lại. Bởi thêm một ngày cách ly phòng dịch là thêm một ngày nguồn lực cho y tế phải tiêu tốn nhiều hơn; nền kinh tế của đất nước bị đình đốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đến việc bảo đảm an sinh cho mỗi người dân.

Trong khó khăn, đêm qua, Thủ tướng đã ký thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các đối tượng yếu thế để “không ai bị bỏ lại phía sau”, những người bị ảnh hưởng vì Covid-19 vẫn có thể yên tâm được bảo đảm cuộc sống ở mức tối thiểu để cùng chung tay chiến thắng cơn đại dịch này.

Hàng triệu tấm lòng thơm thảo đang chung tay cùng các cấp chính quyền, nhân lên sự ủng hộ tiền, vật chất ngày càng nhiều cho công tác phòng, chống dịch thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Và còn rất nhiều người đang hằng ngày nấu cơm cho y bác sĩ, bộ đội, mở các điểm phát nhu yếu phẩm cho người khó khăn để cùng lan tỏa tình yêu “máu đỏ da vàng”, “lá lành đùm lá rách”.

Rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang gặp vô vàn khó khăn khi phải ngừng hoạt động, kéo theo đó là hàng triệu lao động phải tạm ngừng việc, thu nhập bị ảnh hưởng. Nhưng tất cả vẫn đang tuân thủ rất tốt việc giãn cách xã hội để chờ đại dịch đi qua.

Và hãy nghĩ về con cái chúng ta – chúng mới là những người chịu sự cách ly xã hội lâu nhất, nhưng cũng lại là đối tượng thực hiện quy định này một cách tốt nhất. Hàng triệu trẻ em khắp cả nước đã hơn 2 tháng qua chưa được trở lại trường, chưa được gặp thầy cô, bè bạn. Chúng phải quanh quẩn trong nhà mỗi ngày, thiếu vắng sân chơi và những giờ vận động nơi sân bóng đá, bóng rổ…

Sáng nay bạn có ra đường?

Tôi có người bạn ở Italia, dù không phải nằm ở tâm dịch Lombardy, nhưng hằng sáng, đều quay clip ghi lại thành phố của mình không một bóng người, chỉ có vài con chim bồ câu nhởn nhơ ngoài phố, vì tất cả đều đang nghiêm túc thực hiện lệnh cách ly, dù đã sang ngày thứ 32. Một người bạn khác ở Mỹ, hôm qua, đã 10 ngày mới bước chân lần đầu ra đường để đi mua thực phẩm và tích đủ dùng cho 1 tháng, thực hiện nghiêm việc ở nhà.

Có thể bạn nghĩ, những người đó đang ở điểm nóng của dịch bệnh nên việc họ “cấm túc” triệt để, lo lắng ngồi yên trong nhà là đương nhiên. Suy nghĩ này không sai. Nhưng rất có thể đó sẽ là nỗi lo sợ của chính chúng ta ngày mai, nếu chúng ta không tuân thủ nghiêm việc giãn cách xã hội, nếu chúng ta bước chân ra khỏi nhà sáng nay. Bởi có thể mầm bệnh vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong cộng đồng, 14 ngày giãn cách là vô cùng cần thiết để tìm và diệt mầm mống đó.

Chính quyền không thiếu chế tài để xử phạt những người vi phạm cách ly xã hội. Và thực tế, đã có hàng nghìn trường hợp ra đường không cần thiết, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng… bị xử phạt trong những ngày qua. Thế nhưng, không có một biện pháp nào, một chế tài nào hiệu quả hơn bằng chính sự tự giác trong mỗi người.

Hãy nghĩ, để nếu bạn có định ra đường, chúng ta sẽ quay trở lại, cùng giương cao khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước”, cùng tiếp tục chia sẻ “hành trình” một ngày ở nhà đầy ý nghĩa với bạn bè, với mọi người xung quanh qua những bữa cơm đầm ấm, những giờ tự học cùng con, những phút tập thể dục thư giãn nơi ban công nhỏ, chăm một vài cây xanh và nhìn chúng lớn lên mỗi ngày…

Cuộc chiến này sẽ ngắn lại – Nếu sáng nay chúng ta không ra đường…

Theo Báo Hà Nội mới

Facebook Comments