Một trong những điểm đến của đoàn công tác đầu tháng 5 là nhà tưởng niệm Bác – điểm tựa tinh thần vững chắc cho quân và dân trên đảo.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển lần lượt thăm các điểm đảo tiền tiêu và nhà giàn trên quần đảo Trường Sa, tàu KN 491 đưa đoàn công tác cập điểm đảo cuối cùng “thủ đô của Trường Sa” – đảo Trường Sa lớn.
Đồng hồ điểm 11h ngày 7/5, tàu cập cảng. Sau lễ chào cờ thiêng liêng tại cột mốc chủ quyền, đoàn đi thăm các di tích, cụm công trình trên đảo. Chùa Trường Sa, Nhà tưởng niệm Bác, Tượng đài liệt sĩ, Cột mốc chủ quyền…
Lễ chào cờ thiêng liêng trên đảo Trường Sa
Nhà tưởng niệm Bác Hồ nằm ở vị trí trung tâm đảo, khánh thành năm 2010 – đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác (19/5/2010).
Nhà tưởng niệm có diện tích gần 800m2, xây theo phong cách truyền thống, với mái ngói cong có biểu vật trang trí hình con sóng biển cách điệu giống với đình chùa Bắc Bộ gồm: Nhà tưởng niệm, nhà bia, nhà chuông, cổng và hàng rào.
Tượng Bác Hồ được trang trọng đặt giữa gian chính thất. Phía trên là câu nói bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được trưng bày như một bức đại tự.
Lời căn dặn “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” được khắc như hai câu đối ở 2 bên. Chuông u minh, trống, các biểu vật rùa đội hạt… tạo không gian trang nhã, khiến ai có dịp đặt chân đến mang màu sắc thiền cho những người vừa đặt chân vào.
Nhà tưởng niệm có kiến trúc gần giống đình chùa ở vùng Bắc Bộ
Có 8 tủ kính trưng bày 64 bức ảnh và lưu bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu, quê hương, gia đình, quá trình hoạt động cách mạng.
Phía trước chính giữa nhà lưu niệm dựng tấm bia trắng bằng đá granite khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt như một lời nhắc nhớ những người con đất Việt: Việt Nam – đất nước có chủ quyền, biển đảo Việt Nam phải được người dân Việt Nam cai quản, đảo Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng không tách rời lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Nhìn từ xa, Nhà tưởng niệm Bác như một đóa sen hồng nở giữa hòn đảo đầy nắng và gió
Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lương Quốc Anh cho biết: Nhà tưởng niệm Bác Hồ là công trình được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đóng góp kinh phí trùng tu, xây dựng vào năm 2009. Nhà tưởng niệm đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho quân và dân đang sinh sống, công tác trên đảo.
Vào những ngày trọng đại như Quốc khánh, sinh nhật Bác hay mỗi dịp lễ, Tết – mọi người lại tề tựu về đây để được thắp nén nhang dâng lên Bác. Mỗi lần lập công, các chiến sĩ lại đến đây để báo công, xứng đáng với lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Quân chủng Hải quân năm 1961: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Mỗi năm, quân dân Trường Sa lớn đón hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân ra thăm đảo. Ngư dân trên các tàu, thuyền ra đánh bắt cá ở vùng biển này khi ghé qua đảo tiếp tế lương thực, thực phẩm biết có Nhà tưởng niệm Bác trên đảo cũng dành thời gian đến thăm.
Những giá trị tinh thần to lớn đó của nhà tưởng niệm chính là nguồn động viên, khích lệ, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa…
Bên trong nhà tưởng niệm
Bên trong Nhà tưởng niệm, tượng Bác đúc bằng đồng, đặt ngay giữa gian chính
Lời căn dặn “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” được khắc như hai câu đối
Ngày Tết, trên bàn thờ Bác được bày biện mâm ngũ quả, bánh chưng xanh cùng các lễ vật như thờ cúng gia tiên ở đất liền, vừa ấm cúng lại gần gũi
Các tủ trưng bày ảnh, các tư liệu về Bác Hồ với sự nghiệp cách mạng, với lực lượng vũ trang, bộ đội hải quân và các tầng lớp nhân dân
Nhà tưởng niệm đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho quân và dân đang sinh sống, công tác trên đảo
Các hạng mục trong khuôn viên nhà tưởng niệm
Theo Vietnamnet