Ngay những ngày đầu tiên, nữ du học sinh Trung Quốc, trong một lần nói chuyện về đất nước mình, đã “tranh thủ” giới thiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc; bạn học sinh Việt Nam bị bất ngờ, chỉ biết phản ứng lại trong thế bị động…
Hai nữ sinh phổ thông, một Việt Nam, một Trung Quốc cùng tham gia chương trình Giao lưu văn hóa ở Mỹ (học 1 năm phổ thông và ở nhà cha mẹ nuôi là người Mỹ), được sắp xếp ở chung một nhà. Tất cả là ngẫu nhiên, có học sinh giao lưu văn hóa Việt Nam ở chung cùng một nhà với bạn Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc…
Nhưng ngay những ngày đầu tiên, bạn học sinh Trung Quốc, trong một lần nói chuyện với cả nhà về đất nước mình, đã “tranh thủ” giới thiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc; bạn học sinh Việt Nam bị bất ngờ, chỉ biết phản ứng lại trong thế bị động rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”…
Sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Đến cuối năm học, khi có dịp thuyết trình về một đề tài lịch sử trong lớp của mình, bạn Trung Quốc đăng ký ngay đề tài về Hoàng Sa, Trường Sa. Buổi thuyết trình được thầy giáo khen về mặt chuẩn bị tư liệu. Lời khen đó trở thành đề tài trong bữa cơm tối ở nhà cha mẹ nuôi người Mỹ. Bạn Việt Nam phản ứng bằng cách… bỏ cơm.
Trên đây là câu chuyện có thật, được một học sinh Việt Nam tại Mỹ kể lại.
Chúng ta không thể chê con cái chúng ta chậm, thực tế là người lớn chúng ta chậm, hay nói đúng ra là quá chậm.
Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề trọng đại của cả dân tộc và các thế hệ người Việt Nam, nhưng dường như chúng ta chưa có kế hoạch toàn diện một cách bài bản. Câu chuyện trên đây chỉ là một trong những điểm yếu. Nhìn lại toàn bộ chương trình lịch sử ở cả 3 cấp học, không có chương nào, bài nào nêu rõ quá trình làm chủ không thể chối cãi và quá trình khai thác Hoàng Sa, Trường Sa của ông cha ta; quá trình lấn chiếm có “lộ trình” của Trung Quốc… Hoàng Sa, Trường Sa có chăng chỉ là một vài câu chữ ở môn địa lý. Tìm hiểu thêm trên các website chính thức, không thấy có trang nào hệ thống các bằng chứng, lý lẽ của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa một cách bài bản, mạch lạc để học sinh và người dân (không phải là các học giả) có thể lấy đó làm vũ khí lý luận, đấu tranh mọi lúc mọi nơi.
Hàng trăm ngàn du học sinh chúng ta hiện đang học tập và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Lực lượng này có thể làm cho giới trẻ quốc tế, những nhà lãnh đạo tương lai của thế giới hiểu đúng và ủng hộ chúng ta trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng tài liệu không đầy đủ thì kêu gọi con cái chúng ta làm thế nào để chiến thắng?
Vấn đề là làm sao để câu chuyện “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” không chỉ là khẩu hiệu mà đi kèm theo đó phải là những luận cứ thuyết phục ăn sâu vào máu thịt của từng người Việt Nam.
Cái trước mắt có thể làm được ngay là đưa các bài học lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp, từ tiểu học cho đến đại học; tùy theo trình độ hiểu biết của người học mà biên soạn nội dung phù hợp. Qua các website chính thức, trang bị ngay cho học sinh, nhất là du học sinh Việt Nam, những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, dịch ra nhiều thứ tiếng để du học sinh trên toàn thế giới có thể sử dụng làm tư liệu trong các bài thuyết trình, giới thiệu với bạn bè quốc tế về các bằng chứng của Việt Nam.
Theo VNTB