Thời gian qua, một số phim nước ngoài có hình ảnh bản đồ xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp đã được phát hiện kịp thời và ngay lập tức bị cấm chiếu tại thị trường Việt Nam. Câu chuyện đặt ra là về phía các cơ quan chức năng cũng như khán giả phải làm gì trước sự “xâm lăng” văn hóa để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ?
An ninh văn hóa cũng là an ninh quốc gia
Sau khi phát hiện phim “Hướng gió mà đi” có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được phổ biến trên không gian mạng qua địa chỉ https://www.netflix.com và ứng dụng Netflix cũng như tại địa chỉ https://fptplay.vn và ứng dụng FPT Play, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn yêu cầu 2 công ty này gỡ bỏ phim.
Trước đó mấy ngày, bộ phim “Barbie” bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến vì có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp lặp lại nhiều lần. Cũng vì lý do tuyên truyền sai lệch về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, Cục Điện ảnh đã ra lệnh cấm các bộ phim “Thợ săn cổ vật” (Uncharted) năm 2022, “Em là thành trì doanh lũy của anh” năm 2021, “Điệp vụ biển đỏ” năm 2018…
Bộ phim “Hướng gió mà đi” xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp đã bị cấm chiếu tại Việt Nam.
Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, việc các bộ phim nước ngoài cố tình cài cắm hình ảnh bản đồ chứa “đường lưỡi bò” để công chiếu tại Việt Nam chính là hình thức “xâm lăng” văn hóa.
“An ninh văn hóa cũng là an ninh quốc gia. Chúng ta phải luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa và phải xem đây là những vấn đề hết sức quan trọng, không được phép chủ quan, lơ là. Mỗi cơ quan chức năng, mỗi người dân phải hết sức cảnh giác với những văn hóa phẩm tuyên truyền sai lệch về chủ quyền quốc gia và các vấn đề chính trị khác”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói thêm.
Đồng quan điểm đó, Trung tá, NSƯT Đới Anh Quân, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch nói quân đội nhấn mạnh, đây là cách thức tuyên truyền không chỉ đe dọa an ninh văn hóa mà còn cho thấy sự xâm phạm chủ quyền nước ta hết sức nghiêm trọng. Trong các phương thức tuyên truyền sai lệch về biên giới lãnh thổ thì tuyên truyền bằng văn hóa là hết sức nguy hiểm.
“Điều đáng nói ở đây việc cài cắm nội dung “đường lưỡi bò” trong các tác phẩm nghệ thuật sẽ khiến các cơ quan chức năng khó phát hiện, khó xử lý hơn. Còn về phía khán giả, việc “hình lưỡi bò” xuất hiện trong các bộ phim sẽ dần dần, từ từ đi vào tâm trí và lâu dần sẽ tiêm nhiễm vào bộ óc của họ”, Trung tá, NSƯT Đới Anh Quân cảnh báo.
Tăng “sức đề kháng” trước thông tin sai trái
Để không bỏ lọt những bộ phim có “hình lưỡi bò” khi chiếu tại thị trường Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, các ban, bộ, ngành và nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – đơn vị có thẩm quyền trực tiếp – cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, kiểm duyệt các bộ phim trước khi công chiếu tại Việt Nam.
“Chúng ta cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để “làm gương” cho những trường hợp vi phạm khác. Bên cạnh đó, sự tham gia nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm văn hóa có hình ảnh xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là vô cùng quan trọng và là hành động thiết thực để thể hiện lòng yêu nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải (Hãng phim truyện Việt Nam) cho rằng, khi bộ phim có nội dung “đường lưỡi bò” được chiếu rộng rãi trên toàn cầu thì Việt Nam là nước bị ảnh hưởng trực tiếp, do vậy chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn những phim có ý tuyên truyền cho yêu sách này.
“Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim có trách nhiệm phát hiện nếu trong phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” và khi phát hiện ra thì cần chặn không để phim được phát hành. Chúng ta có thể dùng biện pháp mạnh, mang tính răn đe mạnh đối với các nhà sản xuất và nhà phát hành các phim thuộc dạng này. Nhà nước cũng nên nghiên cứu thêm những đạo luật mới về bảo vệ chủ quyền trong sản phẩm văn hóa. Một điều cũng rất quan trọng là cần phải dùng chính các bộ phim cũng như các tác phẩm văn hóa có nội dung, chất lượng nghệ thuật tốt để khẳng định biên giới chủ quyền biển đảo Việt Nam. Chúng ta nên thực hiện những bộ phim về vấn đề này, có thể phim tài liệu hay phim truyện… Người dân Việt Nam sẽ hoàn toàn ủng hộ và tôi nghĩ người dân các nước khác cũng vậy”, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải đề xuất.
Đứng trên góc độ của nhà quản lý giáo dục, TS Phạm Trí Thành, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội cho rằng, điều vô cùng cần thiết và mang tính then chốt là cần thông tin, tuyên truyền, giáo dục một cách đầy đủ, chi tiết cho người dân, nhất là lớp trẻ – lực lượng lớn sử dụng Internet, mạng xã hội – về chủ quyền biên giới quốc gia.
“Mỗi nhà trường từ cấp tiểu học đến đại học nên tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa để cung cấp kiến thức về chủ quyền lãnh thổ cho lớp trẻ. Mỗi câu lạc bộ sinh viên trong các trường đại học nên đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ quyền lãnh thổ thông qua các hình thức sinh động, hấp dẫn, như tổ chức các cuộc thi, sáng tác thơ, nhạc, tiểu phẩm sân khấu… Họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực và hiệu quả trong việc tuyên truyền đến mỗi gia đình, mỗi khu phố, tổ dân cư, từ đó chúng ta sẽ tạo ra mạng lưới “miễn dịch” trước những thông tin bịa đặt, sai sự thật”, TS Phạm Trí Thành mong mỏi.
Ngô Khiêm/Báo CAND